Giá đất ở khu vực này được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước thậm chí là cả khu vực Châu Á, vì vậy để đầu tư vào những vị trí này chủ đầu tư phải thực sự có tiềm lực. Tuy nhiên để tận dụng cơ hội và lợi ích của những khu đất này không phải ai cũng làm được.
5 dự án hoành tráng của Vạn Thịnh Phát
Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài gần 700 m kéo dài từ UBND TP.HCM đến bến Bạch Đằng được đánh giá là vị trí vàng đối với bất kỳ dự án bất động dản nào.
Sau khi phố đi bộ được đưa vào sử dụng thì giá trị của các dự án này lại tăng lên gấp bội. Những dự án tầm cỡ mọc lên ngày một nhiều dọc hai bên con đường này và cũng không ít chủ đầu tư muốn sở hữu “bộ sưu tập đất vàng” tại đây.
Giá đất tại phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trong top đắt nhất thế giới. Ảnh: Lê Quân.
Sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua liên doanh và đối tác chiến lược thì dẫn đầu danh sách này là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với khoảng trên dưới 5 dự án tại đây. Số diện tích của 5 dự án này chiếm gần 1/3 con đường Nguyễn Huệ.
Ngoài việc mới trúng thầu đầu tư vào tứ giác vàng Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu- Huỳnh Thúc Kháng thì 4 dự án tầm cỡ khác cũng được phát triển bởi tập đoàn này.
Nổi bật nhất là tổng thể kiến trúc Saigon Times Square (22-36 Nguyễn Huệ), với tổng vốn đầu tư hơn 125 triệu USD. Gồm tòa tháp cao 39 tầng thiết kế theo hình chữ L, có khối bệ 6 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000 m2.
Tiếp đó khu phức hợp Union Square được cho là có liên quan đến Vạn Thịnh Phát trong thương vụ chuyển nhượng dự án này năm 2013.
Cụ thể một đơn vị thành viên của tập đoàn này là Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) mua lại từ dự án từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ đầu tư Tương Lai với tên dự án lúc đó là Vincom Center A.
Giá trị của thương vụ này là gần 10.000 tỷ đồng cho toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 8.800 m2, quy mô xây dựng gồm 6 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Khu tứ giác vàng Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu- Huỳnh Thúc Kháng được UBND TP.HCM chỉ định thầu cho Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Quân.
Còn lại một số dự án có quy mô nhỏ hơn như Khách sạn Duxton (tên mới là Prince) cũng được cho là có sự tham gia của Vạn Thịnh Phát. Cụ thể công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát là New Life đã mua lại khách sạn Duxton Hotel Saigon từ Low Keng Huat với giá trị 49,24 triệu USD.
Đồng thời doanh nghiệp còn tham gia vào liên doanh phát triển dự án trung tâm thương mại tại khu đất Lê Lợi – Nguyễn Huệ - Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp: Tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD trong đó vốn góp thực hiện 36 triệu USD thông qua liên danh Vạn Thịnh Phát và Saigontourist (Saigontourist góp 9 triệu USD và Vạn Thịnh Phát góp 27 triệu USD). Dự án có tổng diện tích diện tích 5.160 m2 cao 8 tầng.
'Vàng ròng' trong tay 2 ông lớn nhà nước
Không sở hữu nhiều dự án quy mô như Vạn Thịnh Phát nhưng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng có tên trong danh sách chủ đầu tư sở hữu nhiều đất vàng Nguyễn Huệ. Ngoài dự án liên doanh cùng Vạn Thịnh Phát nói trên thì doanh nghiệp này đang sở hữu trong tay khoảng 4 khách sạn trên tuyến phố này.
Những khách sạn thuộc quản lý của Saigontourist bao gồm Khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ): Tổng diện tích sàn xây dựng 44.205 m2; Khách sạn Kim Đô (133 Nguyễn Huệ) với tổng diện tích 540 m2, cao 9 tầng, khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ) cao 12 tầng.
Khách sạn Palace thuộc sở hữu của Saigontourist. Ảnh: Hải An.
Gần đây nhất công ty này cũng mở rộng khách sạn Majestic, với tòa tháp đôi cao 24 và 27 tầng cùng 4 tầng hầm chiều cao 110 m. Tòa tháp này tọa lạc tại góc đường Tôn Đức Thắng và phố đi bộ Nguyễn Huệ, bên cạnh khách sạn Majestic hiện hữu.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) đang là chủ đầu tư Satra - Tax Plaza (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi) có diện tích 9.200 m2 xây dựng tòa thương mại cao 165 m với 40 tầng cao và 6 tầng hầm, đỉnh có sân bay trực thăng. Tổng mức đầu tư chưa được công bố.
Ngoài ra còn có nhiều nhà đầu tư có tiếng khác là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) sở hữu mặt bằng số 117-119 Nguyễn Huệ và 16 Tôn Thất Thiệp với diện tích lên tới 2.724 m2. Dự án này được BIDV mua lại với giá 359,6 tỷ đồng năm 2007 để làm dự án BIDV Tower có quy mô 40 tầng, cao 152m.
Tiếp đó là chủ đầu tư của các tòa nhà lớn trên tuyến phố này như tập đoàn Sun Wah sở hữu tòa nhà Sunwah Tower (115 Nguyễn Huệ), cao 22 tầng tổng diên tích sử dụng 20.800m2, diện tích sàn 1.500m2.
Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 45 triệu USD; Công ty TNHH SX-SX-TM Tài Nguyên: tòa nhà Vinatex – Tài Nguyên (10 Nguyễn Huệ), qui mô 1 hầm, 1 trệt, 1 lửng, 15 lầu; Cao ốc văn phòng Harbour View Tower do Vietcombank và Bonday (Hồng Kông) là chủ đầu tư.