NHỮNG BÀI HỌC TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ - PHẦN 6:

Chân dung một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô - kỳ 2

Sau chiến tranh, ông liên tục giữ cương vị lãnh đạo Đảng tại địa phương. Có thể nói, Brezhnev đã chấm dứt sự hỗn loạn từ những cải cách thô thiển, sai lầm dưới thời Khrushchev. Có người đánh giá Brezhnev là một nhân tài làm việc theo nguyên tắc.

Cũng có người cho rằng, Brezhnev xử lý công việc khá chắc chắn nên mới duy trì được sự ổn định của Liên Xô trong 18 năm. Thời kỳ Brezhnev là thời kỳ ổn định hiếm có trong lịch sử Liên Xô. Trong 18 năm, kinh tế Liên Xô có sự phát triển nhất định, xã hội tương đối ổn định, đời sống người dân được nâng cao. Nhưng trong thời kỳ này cũng xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực. Đặc biệt cuối đời Brezhnev, lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô càng ngày càng xa rời sự thay đổi, phát triển của thời đại, xa rời yêu cầu của quần chúng nhân dân. Trong tư tưởng và hành động, họ tỏ ra bảo thủ, cứng nhắc, duy trì hiện trạng theo kiểu tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, thiếu ý chí cách mạng tiến công.

Chân dung một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô - kỳ 2 ảnh 1

Ông L.Brezhnev (đứng giữa) và Tổng thống Mỹ G.Ford tại Helsinki, Phần Lan năm 1975

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, xã hội Liên Xô xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng tương đối nghiêm trọng, một số mâu thuẫn ngày càng bộc lộ rõ. Tuy nhiên xã hội Liên Xô khi đó tương đối ổn định, chế độ y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng có chất lượng khá cao. Nhân tài khoa học chiếm ¼ thế giới, Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường có vị trí hàng đầu trên trường quốc tế. Đây là lý do khiến ngày nay không ít người cho rằng, thời kỳ Brezhnev là thời kỳ người dân có được đời sống tốt nhất. Sau khi Brezhnev qua đời, Đảng Cộng sản Liên Xô trải qua thời kỳ quá độ tạm thời dưới sự lãnh đạo của Andropov và Chernenko. Đến tháng 3-1985, quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô chuyển vào tay thế hệ lãnh đạo thứ năm do Gorbachev đứng đầu.

GORBACHEV sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng nông thôn Stavropol. Ông ta tốt nghiệp đại học ở Moscow. Thời trẻ, khi Gorbachev hình thành thế giới quan, cũng là thời kỳ Khrushchev phủ định hoàn toàn Stalin, phủ định lịch sử của Đảng, chủ trương Đảng toàn dân và Nhà nước toàn dân. Đối với Gorbachev, điều này để lại một ấn tượng làm lung lay, thậm chí sụp đổ niềm tin vào lý tưởng Cộng sản. Tháng 3-2001, trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Ngọn hải đăng Nga, Gorbachev nói: “Chúng tôi là những đứa con của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô. Lịch sử Liên Xô những năm 60 đã ảnh hưởng rất lớn tới chúng tôi. Thời trẻ chúng tôi tin theo Đảng, trung thành gia nhập Đảng, nhưng sau Đại hội 20, tư tưởng của chúng tôi bắt đầu có sự thay đổi”.

Từ năm 1993, trong một năm rưỡi, Gorbachev nhiều lần nói chuyện với nhà hoạt động xã hội Nhật Bản Daisaku Ikeda. Họ cùng xuất bản cuốn sách Đối thoại, bài học tinh thần của thế kỷ XX.  Trong đó, Gorbachev không chỉ chĩa mũi dùi vào Stalin mà còn chĩa thẳng vào Lenin, chĩa thẳng vào Marx, vào chủ nghĩa Marx - một học thuyết đã chỉ rõ quy luật phát triển của xã hội loài người và được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.

Tháng 6-1988, Gorbachev phát biểu ý kiến: Liên Xô cần thực hiện một nền dân chủ không hạn chế (!). Cũng trong tháng đó, cái gọi là Tổ chức Phi chính thức tổ chức mít-tinh tại trung tâm Moscow. Họ giơ biểu ngữ đòi hủy bỏ cơ quan tư pháp và hành pháp của Nhà nước Liên Xô, đòi có quyền tham gia bầu cử vào Xô Viết, công khai chủ trương thực hiện đa đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 tổ chức tại Moscow ngày 28-6 đến 1-7-1988, Gorbachev đọc báo cáo có nhan đề Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội 27 Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiệm vụ đi sâu cải tổ. Ông ta đưa ra một loạt phương án cải tổ với mục tiêu xây dựng mô hình mới là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo”. Đây thực chất là sự phủ nhận triệt để lý luận cơ bản chủ nghĩa Marx, áp dụng chế độ chính trị của tư bản phương Tây; thực hiện đa đảng qua cái gọi là phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng với Xô Viết; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô với tư cách là Đảng cầm quyền, làm lung lay nền tảng giai cấp và nền tảng xã hội của Đảng. Sau Đại hội này, tính công khai không hạn chế và dân chủ kiểu phương Tây đã nhanh chóng tạo ra một loạt cái gọi là các tổ chức độc lập trong đời sống chính trị Liên Xô.

Ngày 28-12-1987, bài xã luận trên báo Sự thật cho biết: Liên Xô khi đó có trên 30.000 tổ chức đoàn thể phi chính thức. Những tổ chức này ngang nhiên tuyên truyền chống Cộng, hô hào thành lập Đảng đối lập và công đoàn độc lập. Ngày 28-6-1988, diễn ra Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội nghị này trở thành bước ngoặt cơ bản thay đổi chế độ chính trị của Liên Xô. Trước Hội nghị 19, Đảng Cộng sản Liên Xô là hạt nhân lãnh đạo của đất nước, Bộ Chính trị là cơ quan quyết sách tối cao, Ban Bí thư giúp Bộ Chính trị xử lý công tác chính trị, tổ chức hằng ngày. Sau Hội nghị 19, bộ máy lãnh đạo Liên Xô tiến hành cải tổ, giải tán 23 ban trước đây trực thuộc Trung ương Đảng. Các cuộc họp của Bộ Chính trị ít dần, thậm chí mấy tháng không họp. Bộ máy tối cao của Nhà nước cũng khởi động cơ chế phân quyền nhằm làm suy yếu và để tiến tới phủ nhận vai trò của Đảng. Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền kiểm soát tình hình. Ngày 25-5-1989, Liên Xô tổ chức Đại hội Đại biểu nhân dân lần thứ nhất, thực hiện phương án cải tổ của Gorbachev, một loạt thành viên phe đối lập chính trị trong và ngoài Đảng, tiêu biểu là Yeltsin, được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô.

Tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ nhất, gần như mỗi thời khắc, mỗi vấn đề đều có sự đấu tranh gay gắt. Hàng triệu công nhân Nga ngồi xem truyền hình trực tiếp. Những gì họ nhìn thấy là một cảnh hỗn loạn. Từ tháng 10 đến tháng 12-1989, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ hai, các đại biểu của đoàn nghị sĩ khu vực như Sakharov, Popov một lần nữa kêu gọi đưa việc sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp vào chương trình nghị sự. Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2-1990 là hội nghị quan trọng của quá trình thực hiện đa đảng. Yeltsin đại diện cho “phe dân chủ” phát biểu: cần phải chuyển chế độ độc đảng sang chế độ đa đảng, đồng thời chuẩn bị phối hợp hành động với các chính đảng khác. Gorbachev hoan nghênh quan điểm này, ông ta nói, cần sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, cần hủy bỏ quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trong Hiến pháp.

Ngày 12-3-1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội đại biểu bất thường lần thứ ba. Đại hội thông qua nghị quyết về lập chức tổng thống Liên Xô và luật bổ sung sửa đổi Hiến pháp Liên Xô. Lời đề tựa, trước hết xóa đi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội tiên phong của toàn thể nhân dân, đồng thời nội dung trong Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô cũng bị sửa đổi. Điều này thực chất là xóa bỏ cơ sở pháp lý của việc Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền suốt 73 năm kể từ sau Cách mạng Tháng Mười. Hiến pháp sửa đổi còn thêm một chương về Tổng thống Liên Xô. Sau đó bầu Gorbachev làm Tổng thống đầu tiên.

Tháng 7-1990, trong Báo cáo đọc tại Đại hội 28, Gorbachev lại ra vẻ mà nói rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua bầu cử, giành lấy và duy trì vị thế của Đảng cầm quyền... Thực chất là che đậy âm mưu của ông ta muốn phá hủy Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau Hội nghị toàn thể Trung ương tháng 2-1990 và Đại hội đại biểu nhân dân bất thường Liên Xô, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã mất đi sự bảo vệ của Hiến pháp. Trong khi đó, các tổ chức phi chính thức của phe đối lập chưa đăng ký nhưng đã hoạt động có tính chất như chính đảng, lại được bảo đảm của Hiến pháp giống như địa vị của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi lên nắm quyền, Gorbachev cử Yeltsin làm Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow. Để có vốn liếng chính trị, Yeltsin liền mượn danh nghĩa này để công kích tình trạng tham nhũng của tầng lớp đặc quyền, từ đó ra sức công kích các đồng chí kiên trì đường lối đúng đắn trong Đảng. Yeltsin chĩa mũi nhọn vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nhất là Ligachev (Li-ga-chốp) - nhân vật thứ hai trong Đảng kiên trì con đường XHCN. Yeltsin kiên trì công kích sự chậm chạp trong tiến trình cải cách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời phê phán tác phong làm việc của Ligachev. Tuy nhiên, ông ta đã gặp phải sự phê phán của hầu hết Ủy viên Trung ương Đảng. Sau đó không lâu, Yeltsin bị cách chức Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow, nhưng Gorbachev vẫn để Yeltsin làm Ủy viên Trung ương Đảng và chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng Nhà nước. Ngày 29-5-1990, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Liên bang Nga, với 535 phiếu tán thành, 502 phiếu chống, Yeltsin trúng cử chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên bang Nga, với kết quả nhiều hơn bốn phiếu so với số phiếu luật định. Từ đó ông ta giành được quyền lực cao nhất.

Tháng 7-1990, Yeltsin tuyên bố ra khỏi Đảng. Ngày 9-6-1991, Liên bang Nga tổ chức tổng tuyển cử tổng thống lần đầu tiên, Yeltsin đã đánh bại ứng cử viên Bacatin do Gorbachev đề cử, trúng cử chức Tổng thống Liên bang Nga. Một tháng 8 ngày sau, tức ngày 20-7-1991, Yeltsin ban bố sắc lệnh phi đảng hóa và tuyên bố nghiêm cấm hoạt động của các chính đảng trong cơ quan nhà nước các cấp cũng như các đoàn thể quần chúng và doanh nghiệp cơ sở, tức là chĩa thẳng mũi dùi vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông ta đã giáng một đòn cuối cùng vào sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự giải thế của Liên Xô. Đối với một Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển lại biến thành người đi đầu phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa.

(Còn nữa)

Theo THỜI NAY - NDĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm