“Sau một thời gian dài khám phá tình yêu và thử sống ly thân, giờ đây chúng tôi đã quyết định ly hôn và tiếp tục coi nhau như những người bạn” - cặp đôi tuyên bố. Tính đến nay, số tài sản ròng của Jeff Bezos là 137 tỉ USD nên việc ly hôn của người đàn ông giàu nhất thế giới này tốn nhiều giấy mực của báo chí. Đây được dự báo là cuộc chia tay đắt đỏ nhất mọi thời đại, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Một cuộc đời không phẳng lặng
Ông Jeff Bezos sinh ngày 12-1-1964 ở TP Albuquerque, bang New Mexico (Mỹ). Lúc này mẹ của ông chỉ mới 17 tuổi, cha của ông là một diễn viên xiếc. Khi Bezos lên bốn, cha mẹ ông ly hôn. Mẹ của ông sau đó tái hôn với Mike Bezos, một người Cuba nhập cư.
Ngay từ khi còn bé, Bezos đã thể hiện sự thông minh của mình. Từ khi mới biết đi, ông đã tháo tung cái nôi của mình với một chiếc tuốcnơ vít vì ông muốn ngủ trên giường. Từ năm bốn tuổi đến 16 tuổi, Bezos dành kỳ nghỉ hè của mình tại nông trại của ông ngoại ở bang Texas, làm những việc như sửa cối xay gió hay chăn bò. Chính ông ngoại của ông là người định hình tính cách của Bezos sau này.
Cũng như nhiều đứa trẻ mơ mộng khác, từ bé Bezos đã ước mơ trở thành nhà du hành vũ trụ. Có lẽ đó cũng chính là lý do ông sáng lập công ty khám phá vũ trụ mang tên Blue Origin sau này. Công ty này đã làm nên lịch sử khi trở thành một trong những công ty thương mại đầu tiên có thể phóng thành công một quả tên lửa tái sử dụng.
Khi còn ở tuổi thiếu niên, ông đã phải vất vả làm việc tại McDonald để kiếm tiền học. Bezos tốt nghiệp ĐH Princeton chuyên ngành khoa học máy tính. Sau khi ra trường, ông từ chối làm việc theo lời mời của Intel và Bell Labs để tham gia một startup tên Fitel.
Tỉ phú Jeff Bezos và vợ. Ảnh: INTERNET
Rời bỏ Fitel, ông “suýt nữa” đã cùng Halsey Minor, sáng lập viên CNET, phát triển một công ty khởi nghiệp đưa tin qua máy fax. Nhưng sau đó ông làm việc tại quỹ đầu tư D.E. Shaw và trở thành phó giám đốc chỉ sau bốn năm. Tại đây, ông gặp gỡ bà MacKenzie Tuttle, một nhân viên nghiên cứu của công ty. Hai người kết hôn vào năm 1993.
Đến năm 1994, Bezos được biết rằng các trang web tăng trưởng với tốc độ 2.300% mỗi năm. Con số này làm ông choáng váng và ông quyết định phải tìm cách nào đó tận dụng lợi thế từ tình hình phát triển này. Ông làm ra một danh sách hơn 20 sản phẩm có thể bán online và nhận định rằng sách là lựa chọn tốt nhất. Bezos quyết định rời D.E. Shaw khi sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao để sáng lập ra Amazon.
Cho đến bây giờ Bezos vẫn không thể lý giải tại sao ông lại quyết định như vậy vào thời điểm đó. Ông từng chia sẻ rằng: “Cho đến năm 80 tuổi, có lẽ tôi cũng sẽ không bao giờ hiểu được rằng tại sao mình lại quyết định từ bỏ sự nghiệp đỉnh cao tại một trong những công ty quyền lực bậc nhất phố Wall vào năm 1994”. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tập đoàn vĩ đại Amazon đã ra đời.
Năm 2018, Forbes 400 bình chọn Bezos là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng đạt mốc 160 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số 97 tỉ USD hiện có của Bill Gates. |
Khai sinh “gã khổng lồ”
Bezos bắt đầu Amazon.com trong một garage để xe của mình với những chiếc bàn gỗ cũ và những cuộc họp công ty được tổ chức tại nhà sách địa phương. Trong tháng đầu tiên vận hành, Amazon bán sách cho gần 50 bang và 45 nước khác nhau. Và theo sự phát triển, Amazon lần đầu ra mắt vào 15-5-1997.
Năm 2006, Amazon lấn sân sang dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp. Đây là mảng dịch vụ mang lại doanh thu khủng cho Amazon. Chỉ trong năm 2017, dịch vụ này đã mang về 20 tỉ USD doanh thu cho công ty. Tháng 8-2013, Bezos mua lại tờ Washington Post với giá 250 triệu USD nhằm củng cố vị thế chính trị cũng như vực dậy ngành báo chí ngày càng đi xuống khi Internet lên ngôi.
Đến nay, Amazon là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Ngoài bán sách, tập đoàn này đã lấn sân qua mảng thiết bị gia dụng, quần áo, thực phẩm. Theo Business Insider, Amazon lớn hơn cả 12 nhà bán lẻ truyền thống ở Mỹ cộng lại, trong đó có Walmart, Best Buy. Đến tháng 9-2018, Amazon trở thành công ty thứ hai tại Mỹ được định giá hơn 1.000 tỉ USD, chỉ sau Apple.
Rắc rối chuyện chia tài sản Hầu hết những người giàu có thường có những thỏa thuận tiền hôn nhân hoặc hậu hôn nhân thì việc phân chia tài sản có thể sẽ dễ dàng hơn nhiều. Còn nếu trong trường hợp vì quá tin tưởng vào người vợ mà Bezos không ký bất cứ thỏa thuận nào thì đồng nghĩa với việc bà MacKenzie sẽ nhận một nửa số tài sản là 66 tỉ USD, dựa trên giá trị của Amazon theo luật sở hữu cộng đồng. “Điều quan trọng đối với các tỉ phú là tài sản của họ thường rất phức tạp và không dễ thanh khoản. Với Bezos, rất nhiều tài sản của ông được gắn với cổ phiếu Amazon” - luật sư hôn nhân Jacqueline Newman nói với Business Insider. Đồng nghĩa Bezos sẽ phải bán hoặc cầm cố bớt cổ phần của ông. Điều này có thể làm giảm quyền sở hữu và kiểm soát công ty của ông. Tính đến nay Bezos sở hữu gần 16% cổ phần của Amazon, tương đương với gần 80 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bà MacKenzie muốn đảm bảo tài sản của công ty tiếp tục phát triển dưới sự nắm quyền của Bezos, có thể bà sẽ đưa ra một thỏa thuận khác để chồng cũ của mình không cần phải bán đi cổ phần mà ông và bà đang nắm giữ. Nghi án ly dị vì ngoại tình Theo New York Post, CEO Amazon được cho là đang trong mối quan hệ mới với Lauren Sánchez, 49 tuổi, một phi công trực thăng và cựu dẫn chương trình của Fox 11, vợ của ông trùm tài năng Hollywood Patrick Whitesell. Tuy nhiên, hiện Lauren Sánchez chỉ mới sống ly thân với chồng chứ chưa ly hôn. Tạp chí National Enquirer tiết lộ rằng đã âm thầm điều tra cặp đôi này suốt bốn tháng. Trong thời gian đó, cả hai vẫn thường xuyên hẹn hò, thân mật với nhau. Hiện tại Amazon chưa có bất cứ phát ngôn gì về thông tin này. |