Chặng đường khủng hoảng Sri Lanka: Từ hết ngoại tệ, lạm phát, hết xăng, biểu tình, đến tổng thống và thủ tướng từ chức

(PLO)- Cùng nhìn lại toàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka, vốn đã dấy lên làn sóng biểu tình, buộc tổng thống và thủ tướng nước này phải từ chức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sri Lanka đang đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong bảy thập niên, sau khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục, cùng tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men tiếp diễn.

Cuộc khủng hoảng đã dấy lên làn sóng biểu tình lan rộng yêu cầu tổng thống nước này từ chức.

Cùng nhìn lại toàn cảnh khủng hoảng ở Sri Lanka từ tháng 4 đến nay, theo tóm tắt của hãng tin Channel News Asia.

Người biểu tình ở thủ đô Colombo. Ảnh: REUTERS

Người biểu tình ở thủ đô Colombo. Ảnh: REUTERS

Ngày 1-4: Tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Sri Lanka - ông Gotabaya Rajapaksa - quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép triển khai quân đội hỗ trợ cảnh sát đảm bảo trật tự.

Ngày 3-4: Nội các từ chức

Gần như toàn bộ nội các của Sri Lanka hôm 3-4 đã đệ đơn từ chức, trừ các anh em nhà Tổng thống Gotabaya Rajapaska và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa.

Đến ngày 4-4, tất cả 26 bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka đã từ chức.

Ngày 5-4: Tổng thống Rajapaksa mất đa số ủng hộ trong quốc hội

Chính quyền Tổng thống Rajapaksa đối mặt nhiều khó khăn hơn khi Bộ trưởng Tài chính – ông Ali Sabry – hôm 5-4 cũng đã từ chức, chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này.

Ông Rajapaksa hôm 5-4 đã mất đa số ủng hộ trong quốc hội.

Ngày 10-4: Tình trạng thiếu thuốc men

Hiệp hội Y học Sri Lanka thông báo tất cả bệnh viện ở nước này không còn có thể tiếp cận nguồn thiết bị y tế nhập khẩu, cũng như các loại thuốc quan trọng dùng trong cấp cứu và thuốc đặc trị các ca bệnh hiểm nghèo.

Ngày 12-4: Tạm dừng thanh toán nợ nước ngoài để tránh vỡ nợ

Chính phủ Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD, đồng thời nhấn mạnh đây là phương án cuối cùng sau khi quốc gia này không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.

Ngày 19-4: Sri Lanka ghi nhận số thương vong biểu tình đầu tiên

Một người đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương khi cảnh sát Sri Lanka nổ súng vào đoàn người biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu. Vụ việc xảy ra tại thị trấn Kegalle, miền trung Sri Lanka.

Ngày 6-5: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai

Tổng thống Rajapaksa tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai chỉ trong vòng 5 tuần, nhằm trao cho lực lượng an ninh nhiều quyền lực hơn để đối phó làn sóng biểu tình trên cả nước.

Ngày 9-5: Đụng độ leo thang, Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn

Cảnh sát Sri Lanka áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn tại thủ đô Colombo, sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và nhóm người yêu cầu Tổng thống Rajapaksa từ chức.

Thủ tướng Sri Lanka - ông Mahinda Rajapaksa hôm 9-5 đã đệ đơn từ chức. Chính trị gia kỳ cựu Ranil Wickremesinghe sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng Sri Lanka.

Ngày 10-5: Binh sĩ được phép bắn bất kỳ ai gây mất ổn định

Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết binh sĩ "đã được lệnh bắn ngay lập tức bất kỳ ai cướp bóc tài sản công cộng hoặc gây nguy hại đến tính mạng người khác".

Ngày 10-6: “Tình trạng khẩn cấp nhân đạo”

Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng Sri Lanka đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng triệu người cần viện trợ.

Ngày 20-6: Đóng cửa trường học, dừng dịch vụ chính phủ vì cạn nhiên liệu

Sri Lanka bắt đầu đóng cửa trường học và tạm dừng tất cả dịch vụ không thiết yếu của chính phủ trong vòng hai tuần, trong bối cảnh nguồn dự trữ nhiên liệu cạn dần.

Ngày 27-6: Sri Lanka ngừng bán nhiên liệu

Sri Lanka thông báo tạm ngừng bán mọi loại nhiên liệu trong hai tuần, trừ nhiên liệu phục vụ các dịch vụ thiết yếu, đồng thời kêu gọi đóng cửa một phần các dịch vụ xã hội.

Tình trạng khan hiếm nhiên liệu tại Sri Lanka. Ảnh: REUTERS

Tình trạng khan hiếm nhiên liệu tại Sri Lanka. Ảnh: REUTERS

Ngày 5-7: Thủ tướng Sri Lanka nói đất nước đã vỡ nợ, lạm phát phi mã lên gần 60%

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đã vỡ nợ và tình trạng khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có này sẽ kéo dài cho tới ít nhất là cuối năm 2023.

Lạm phát đã lên tới 54,6% vào tháng 6 khi quốc gia Nam Á này đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua và Ngân hàng trung ương Sri Lanka dự kiến sẽ tăng lãi suất trong lần công bố chính sách vào ngày 7-7 để kiềm chế giá cả. Đảo quốc Nam Á cũng thông báo ngừng in tiền để đối phó lạm phát.

Ngày 9-7: Phủ tổng thống Sri Lanka thất thủ trước làn sóng biểu tình

Tổng thống Rajapaksa buộc phải rời tư dinh ở thủ đô Colombo khi làn sóng biểu tình lan rộng, yêu cầu ông từ chức.

Hàng nghìn người biểu tình tràn ra các con phố ở thủ đô Colombo, xông vào phủ tổng thống và phóng hỏa nhà riêng của thủ tướng nhằm bày tỏ bất bình trước cuộc khủng hoảng của đất nước.

Người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka hôm 9-7 cho biết ông Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13-7. Trước đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng đã chấp nhận từ chức.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm