Chàng trai trẻ đam mê vọng cổ

hiều sáng tác của Lâm Hữu Tặng xuất phát từ những câu chuyện có thật.

Lâm Hữu Tặng (ngoài cùng, bên trái) cùng các tác giả, soạn giả cải lương trong một chuyến đi thực tế sáng tác vào tháng 4-2014. (Ảnh nhân vật do cung cấp). 

Viết cho người nằm trong quan tài

Bài ca Chị Hai kể về người chị lớn trong một gia đình cả đời chỉ biết lo lắng, chăm sóc cho tám đứa em. Đến khi các em lớn khôn và có gia đình riêng, chị Hai vẫn lẻ loi cô quạnh nương nhờ niềm vui trong hạnh phúc riêng của các em. Nhưng rồi số phận khắc nghiệt, chị bị ung thư… Một trong tám người em ấy nhờ Tặng viết bài ca về chị mình, khi tác phẩm hoàn thành, nhân vật chính cũng vừa nhắm mắt. Trong đám tang, người em trai hát bài ca cổ Tặng viết cho chị mình đang nằm trong quan tài mà nước mắt rơi từng chặp.

Một hoàn cảnh khác, về hai mẹ con người hàng xóm. Người mẹ với duyên phận không được suôn sẻ đã tìm được bến đỗ mới ở nơi xa. Người con, là bạn của Tặng mừng cho hạnh phúc của mẹ nhưng quyết định ở lại quê hương, nương nhờ ân tình của bà con lối xóm tự sống. Tặng viết Mùa xuân nhớ mẹ để mỗi lần nhớ mẹ, người bạn lại ngân nga bài ca này cho lòng vơi đi nỗi niềm. Nhân vật thật hát, phản hồi: “Mày viết gì đâu mà tao hát, tao chỉ muốn rơi nước mắt”.

Đó là những kỷ niệm sáng tác đẹp, là niềm động viên khơi nguồn cho chàng trai trẻ mê sáng tác cổ nhạc này tiếp tục thực hiện được giấc mơ trở thành một soạn giả cải lương thực thụ.

Tặng kể năm lớp 1, khi chưa thuộc hết mặt con chữ, lại vào học trễ nên không biết bài hát thiếu nhi nào (khi cô giáo gọi lên hát thử). Thế là Tặng hát luôn Chuyến xe Tây Ninh! Lên học cấp 3, Tặng bắt đầu tập viết lời ca, chập cải lương. Sau đó, tìm được thầy Bảy Quý để học nhịp nhàng, bài bản và cộng tác với báo Sân Khấu rồi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các bậc đàn anh.

Tính đến nay, Tặng đã có hơn 30 bài ca phát sóng trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV, nhiều bài phát trên Đài PT-TH Bình Phước do các NSƯT Cẩm Tiên, Phượng Loan, Kim Tiểu Long, Thanh Ngân… thể hiện như: Bàn tay anh, Câu uyên ương, Nỗi chờ mong, Hẹn thêm lần nữa, Quê chồng, Quê em, Bông bần rụng trắng mặt sông…

Lấy việc làm để nuôi đam mê

Cải lương đã bước qua thời hoàng kim, hiện nay, các tác giả trẻ đến với con đường sáng tác bằng niềm đam mê là chính. Họ phải “tự bơi”, tự tìm hiểu thị hiếu và tìm cho mình cách viết sao cho phù hợp. Hữu Tặng cũng trăn trở nhiều về điều đó: “Đầu ra của các tác phẩm hiện nay vẫn là vấn đề nan giải, khi mà các đài tỉnh sản xuất chương trình rất ít, bên HTV thì có thời lượng vừa phải. Cho nên đối với các tác giả trẻ, viết bài ca cũng chỉ thỏa niềm đam mê. Không ai có thể sống được bằng nghề viết ca cổ, cải lương trong thời buổi bây giờ. Phải tìm cho mình một công việc ổn định để nuôi đam mê thôi”.

Là người dành tâm huyết cả đời cho bộ môn đờn ca tài tử, soạn giả Ngô Hồng Khanh cho rằng: “Sáng tác vọng cổ là một loại hình thuộc thể loại văn học, mang tính chất thi ca, đòi hỏi phải nắm vững bài bản, nhịp nhàng, văn chương chứ viết lung tung sẽ không bao giờ thành công được. Tôi đã từng chấm nhiều cuộc thi, đoạt giải thường là các tác giả tuổi đời từ 40 đến 50 còn tác giả trẻ thì rất hiếm. Lĩnh vực sáng tác vọng cổ không có trường đào tạo, chuyên ngành, biên chế nên các bạn trẻ phải làm một công việc khác rồi mới theo đuổi sáng tác được. Thời của tôi thì khác, sáng tác gần như là công việc chính, chuyên nghiệp. Lâm Hữu Tặng là một người trẻ nhưng có đầu tư cho công việc sáng tác chứ không hề ngẫu hứng, đề tài phong phú không kém người viết nhiều năm, thêm vào đó là tình yêu, sự say mê với bộ môn đờn ca tài tử. Tặng có nhiều yếu tố trở thành tác giả giỏi”.

Nghệ thuật đờn ca tài tử đã được vinh danh, con đường Hữu Tặng đi dù có trắc trở  song vẫn luôn được ngọn lửa đam mê soi sáng, dẫn đường. Hiện tại, Tặng đang là biên tập viên phụ trách chương trình ca cổ trên Đài PT-TH Bình Phước. Ngoài ra, Tặng còn phụ khâu viết kịch bản, viết bài cho chương trình Vọng cổ đồng quê tập hợp sáng tác của những bạn trẻ đam mê cổ nhạc phát sóng trên website caovanlau.vn được nhiều người truy cập.

 

Trích đoạn bài ca cổ Chị Hai

Lối: Không biết tự bao giờ cây bần ven sông đã mọc lên,

Theo ngày tháng dần trôi cho lá xanh bông trắng.

Để xuồng anh Thanh mỗi ngày cập bến,

Để chiều chiều, chị quét lá vàng rơi.

Vọng cổ: Chị quét lá vàng rơi còn anh quảy đôi thùng ra bến sông gánh nước. Giúp chị lo xong việc nhà sau trước, xuồng anh lại tách bến ra đi khi con nước dâng… đầy. Chị đứng đó nhìn theo, rồi buông tiếng thở dài. Quay gót trở vào căn nhà tinh tươm, sạch sẽ, bên mấy đứa em khờ đang nhao nháo chờ trông. Cha mẹ sớm qua đời, nhà như tổ chim non, cánh chim lớn phải đương đầu cùng giông bão. Đàn em lớn lên bên những tiếng ru buồn, cây bần cũng vươn cao theo tiếng vỗ bờ của sóng.

***

Họ đã nói

Tặng là nhạc sĩ sáng tác vọng cổ trẻ nhất mà tôi được biết. Những bài ca của Tặng có hơi hướng lạ, mới, lời ca tròn trịa, suôn, đúng khuôn nhịp nên ca rất thuận miệng. Tặng rất biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các nghệ sĩ để hoàn thiện lối viết, khai thác đề tài… nên ngày càng tiến bộ. Mỗi bài ca Tặng viết đều có cốt truyện dẫn dắt rõ ràng, xúc động. Nếu trau dồi thêm kinh nghiệm, vốn sống, với sức bật của tuổi trẻ, Tặng sẽ còn tiến xa hơn nữa”.

Nghệ sĩ ưu tú PHƯỢNG LOAN

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm