Chàng trai ‘under 30’ bén duyên giao thông thông minh

(PLO)- Lê Yên Thanh cùng cộng sự đang phát triển các dự án giao thông thông minh, đặc biệt là giao thông công cộng, trong đó có “xe buýt công nghệ”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tết đến gần, chuyện đi lại, đường sá, xe cộ… lại “nóng” lên. Cơ duyên, chúng tôi có những trao đổi rất thú vị về giao thông thông minh (GTTM) với anh Lê Yên Thanh, “chàng trai vàng tin học” trong danh sách “Under 30” Forbes Việt Nam 2022.

Giao thông thông minh không xa vời

Làm trong lĩnh vực công nghệ giao thông nhiều năm qua, anh Thanh theo đuổi việc xây dựng một hệ thống GTTM cho TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. “Tôi nghĩ giao thông trước tiên phải thông minh về mặt quản lý. Tức là cơ quan chức năng sẽ quản lý hệ thống công nghệ thông tin để nắm bắt về tình trạng giao thông như số lượng, tần suất phương tiện di chuyển; các hình thức tra cứu, nắm bắt tình trạng kẹt xe và các hướng xử lý điều tiết…” - anh Thanh nói.

Ngoài ra, GTTM phải đảm bảo hai yếu tố khác, bao gồm (i) thông minh về quy hoạch như phát triển những cung đường mới, dựa vào dữ liệu lớn có được từ hệ thống GTTM để biết được nên xây dựng như thế nào cho phù hợp và (ii) thông minh trong phục vụ người dùng, ví dụ: Nếu đi xe công cộng như xe buýt, tàu điện thì dễ dàng tìm kiếm, di chuyển, thanh toán; nếu đi xe cá nhân thì dễ nắm bắt tuyến đường nào là tối ưu nhất. Người dân cũng có thể chuyển đổi linh hoạt các phương thức đi lại khác nhau như đi bộ, đi xe cá nhân, tàu điện, xe buýt, xe đạp công cộng... Ba yếu tố trên sẽ giúp TP sở hữu một hệ thống GTTM, góp phần trở thành một TP thông minh (smart city).

Trên thực tế, GTTM không còn là xa vời khi công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã và đang phát triển mạnh mẽ. Công nghệ giúp chúng ta có nhiều loại xe ngày càng ưu việt hơn như xe điện, xe tự hành (lái tự động)... Ngoài ra, hiện nay hầu hết người dân đã có thể sử dụng điện thoại thông minh, điều này thúc đẩy phát triển các ứng dụng thông minh để người dân có thể trải nghiệm tốt hơn và có nhiều ưu đãi hơn khi tham gia giao thông, nhất là giao thông công cộng (GTCC).

Trọng tâm là giao thông công cộng

Chia sẻ về câu chuyện GTCC, anh Thanh đồng tình với quan điểm được cho là của Enrique Peñalosa, một chính trị gia người Colombia: “Một đất nước phát triển không phải là nơi mà người nghèo sở hữu được ô tô mà là nơi người giàu sử dụng phương tiện GTCC”. Quan điểm này được nhiều chính trị gia, chuyên gia lĩnh vực giao thông của nhiều nước đồng tình nhắc đến.

Anh Thanh cho biết khi chúng ta nhìn ra các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển sẽ dễ dàng thấy rằng họ sử dụng các phương tiện GTCC rất nhiều. Gần với Việt Nam, chúng ta thấy Hong Kong rất thành công trong việc triển khai GTCC, đến 90% nhu cầu đi lại được giải quyết bằng mô hình này.

“Còn tại Việt Nam, GTCC vẫn còn ở giai đoạn đầu nên chưa xứng tầm, chưa phục vụ hữu hiệu nhu cầu của người dân. Thực tế thì hệ thống GTCC ở Việt Nam trợ giá cho người dùng rất nhiều, ước tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm chỉ tính riêng người đi xe buýt. Tuy nhiên, GTCC chưa hấp dẫn để thuyết phục được họ thay đổi thói quen. Đây là điều tôi băn khoăn và đang giải quyết” - anh Thanh nói.

Cũng theo anh Thanh, cần xây dựng hệ sinh thái giao thông phát triển năng động và đa dạng, không chỉ có hàng không, đường bộ mà còn có cả trên mặt nước, trong lòng đất… Không chỉ có xe buýt mà còn có xe đạp, xe công nghệ, xe điện, xe tự hành, tàu điện… Việc này đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp dài hạn.

Tuy nhiên, một vấn đề cốt lõi khác của GTCC chính là chất lượng dịch vụ. Ngoài giá cả, phải tính đến sự thuận tiện, tốc độ di chuyển, dễ tiếp cận, dễ tìm kiếm… Điều này không phải dễ với một kết cấu hạ tầng đô thị đặc thù như TP.HCM hay Hà Nội với “phố nhỏ, ngõ nhỏ, đường nhỏ”… “Chính vì vậy, cần xây dựng hoàn thiện một hệ thống GTTM cho phép chúng ta thu thập, phân tích, xử lý thông tin về nhu cầu của người dân để quy hoạch các tuyến đường phù hợp cho xe buýt và các phương tiện GTCC khác” - anh Thanh gợi ý.

Khi người dân cảm nhận được lợi ích, chất lượng dịch vụ của giao thông công cộng thì họ sẽ sử dụng. Ảnh: THU NGUYEN/UNSPLASH
Khi người dân cảm nhận được lợi ích, chất lượng dịch vụ của giao thông công cộng thì họ sẽ sử dụng. Ảnh: THU NGUYEN/UNSPLASH

Linh hoạt phương tiện

Ở TP.HCM hay các tỉnh lân cận như Bình Dương, anh Thanh cho rằng cần có giải pháp để người dùng không phải đi bộ quá 500 m, mà tốt nhất chỉ 100-200 m là có thể đón phương tiện GTCC.

Người dùng cũng có thể linh hoạt thay đổi phương tiện, kết hợp phương tiện. Ví dụ, có thể liên kết xe ôm công nghệ để chở người dùng từ nhà đến trạm xe buýt, trạm metro, bến tàu thuyền hoặc từ trạm GTCC về nhà một cách dễ dàng hơn. Điều đó giải bài toán di chuyển điểm đầu - điểm cuối và tiết kiệm chi phí. Người dùng cũng có nhiều cách trả phí hơn, thông qua tiền mặt hoặc ví điện tử.

“Hay như các nhóm được ưu tiên đi xe buýt như sinh viên, trẻ em, người cao tuổi… Nếu có giải pháp công nghệ, ví dụ như đăng ký nhận diện khuôn mặt, để xe buýt có khả năng nhận diện họ dễ dàng, không phải mang theo giấy tờ hay làm thủ tục phức tạp thì họ sẽ ủng hộ. Tôi thấy nhiều sinh viên đi xe buýt phải mang thẻ, nhân viên phải kiểm tra các thứ rất bất tiện và mất thời gian” - anh Thanh đưa ví dụ.

Lê Yên Thanh là nhà sáng lập đồng thời là CEO Phenikaa Maas, một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ phát triển GTTM, được Tập đoàn Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD hồi giữa năm 2021. Anh Thanh cũng được mọi người yêu mến và biết đến với biệt danh “chàng trai vàng tin học” khi sở hữu tới hơn 100 giải thưởng, huy chương tin học trong nước và quốc tế; nằm trong danh sách “Under 30” của Forbes Việt Nam năm 2022.

“Chàng trai vàng tin học” cho biết năm 2022 công ty của anh triển khai ứng dụng “Bus map” (bản đồ xe buýt) tại Bình Dương. Nhu cầu sử dụng ứng dụng để tra cứu là rất lớn nhưng nhiều người vẫn chưa biết nhiều về ứng dụng nên còn ngại sử dụng. Cũng như xe ôm công nghệ, khi chưa biết thì chưa ai dùng, hiểu rồi thì họ ưu tiên. Chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống “xe buýt công nghệ” và truyền thông mạnh hơn nữa để người dân biết và dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm