Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Bây giờ không đổi tên tòa án, tương lai con cháu cũng phải làm'

(PLO)- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng nếu không sửa bây giờ sẽ bỏ lỡ một cơ hội để đổi mới triệt để hoạt động tòa án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 26-3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu tiếp tục góp ý cho dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Đáng chú ý, nếu như trong buổi sáng, các ý kiến phát biểu đều đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện (phương án 1) thì sang buổi chiều, nhiều đại biểu thể hiện sự ủng hộ phương án đổi mới tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm (phương án 2).

Có nhiều lợi ích

ĐB Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nói: “Phương án 2 đáng được cân nhắc”. Theo ông, đây không đơn thuần chỉ là việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, cấp huyện. Quy định đổi mới tòa án cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 27 và Nghị quyết 49.

tòa án
ĐBQH Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đây cũng là một giải pháp bảo đảm nâng cao nhận thức về tổ chức, hoạt động của tòa án trong mối quan hệ với nguyên tắc “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đã được ghi nhận trong Hiến pháp; đồng thời khắc phục cách hiểu Tòa án là quan hệ hành chính.

Mặt khác, theo vị ĐBQH đoàn TP.HCM, phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND, quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tòa án; còn thẩm quyền xét xử của tòa án sẽ được quy định trong các luật về tố tụng.

Do đó, việc đổi mới tòa án theo hướng trên sẽ là tiền đề để thời gian tới, TAND Tối cao tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng theo hướng tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ việc cho TAND sơ thẩm; từng bước hạn chế thẩm quyền xét xử của tòa phúc thẩm đối với các việc sơ thẩm….

Ngoài ra, ông Hiển cho rằng cách quy định này cũng tạo điều kiện để phát huy tính chuyên môn hóa trong các giải quyết các vụ việc mang tính chất đặc thù như hành chính, phá sản, SHTT…

Cùng quan điểm, theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), tổng kết cho thấy việc tổ chức theo cấp hành chính có nhiều bất cập, đặc biệt, tính độc lập của tòa án khó được bảo đảm.

Ông Lê Thanh Vân chỉ rõ nếu tổ chức tòa án theo cấp xét xử kết hợp với khu vực sẽ đạt được 5 lợi ích.

DBQH-Le-Thanh-Van.jpeg
ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Cà Mau). Ảnh: PHẠM THẮNG

Thứ nhất, tăng được hiệu quả, chuyên môn hóa được hoạt động của ngành tòa án; bảo đảm được tính nhất quán trong hoạt động.

Thứ hai, tiện lợi cho người dân vì địa hạt gần gũi, người dân tham gia tố tụng, tiếp xúc gần gũi hơn với cán bộ tòa án. “Ở miền núi xa, có những cự li trong địa bàn hàng trăm cây số, đi lại rất khó khăn", theo ông Vân.

Thứ ba, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta.

Thứ tư, bảo đảm tính minh bạch, khi tòa án tổ chức theo khu vực thì cự ly địa lý gần, việc người dân tham gia giám sát sẽ minh bạch hơn.

Thứ năm, tránh được quan hệ hành chính rất dễ tác động đến tính độc lập của tòa.

"Nếu không sửa bây giờ là lỡ một cơ hội"

Giải trình thêm cuối phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói tham khảo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào tổ chức Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện cả. “Đây là thẩm quyền quốc gia, quyền lực quốc gia”- theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Chanh-an-TANDTC-Nguyen-Hoa-Binh.jpeg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, Chánh án cũng không đồng tình với ý kiến một số đại biểu cho rằng “chỉ đổi tên, không đổi thẩm quyền”. “Thực tế đã đổi tên, đổi thẩm quyền, nhưng việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và các phân cấp của tòa án”- Chánh án khẳng định.

Theo người đừng đầu ngành tòa án, chúng ta đã tiến một bước là phân công cho tòa cấp huyện xử đến 15 năm, nhưng thực tế trình độ hiện nay, tòa cấp huyện thậm chí có thể xử đến đến chung thân, tử hình, nhưng chúng ta cần có bước đi hợp lý.

“Không thể dừng lại mãi cấp huyện là 15 năm”- ông Bình nói thêm.

Cũng theo Chánh án, theo quy định, tòa cấp tỉnh xử các vụ án có yếu tố nước ngoài. Nhưng thực tế, năng lực tòa cấp huyện, đặc biệt là tòa cấp quận của Hà Nội và TP.HCM, cũng có thể xử được các vụ án có yếu tố nước ngoài.

Phân tích thêm, Chánh án cho rằng việc đổi mới tổ chức của tòa án như quy định tại dự thảo mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, quan trọng nhất là nguyên tắc độc lập của tòa án được bảo đảm, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Điều này đúng với tinh thần HIến pháp và đúng với yêu cầu Nghị quyết 27.

“Hiện nay chúng ta không làm thì tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm, vì đây là xu hướng tiến bộ của thế giới nhưng vì lý do này, lý do khác chúng ta chưa làm được. Nếu không sửa bây giờ là lỡ một cơ hội để đổi mới triệt để hoạt động tòa án”- theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm