Chiều 3-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 3 TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 11 và kết nối trực tiếp với điểm cầu quận 8, quận 5 trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tổ ĐBQH đơn vị số 3 gồm ông Lê Minh Trí, Chánh án TAND Tối cao; ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM và ông Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Cần chỉ đích danh cán bộ né tránh tiếp dân
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Mai Thanh Hà (phường 7, quận 5) kiến nghị đến các ĐBQH về vấn đề một số cán bộ lãnh đạo thuộc diện phải tiếp công dân tại cơ quan tránh né, không tiếp khi dân đến gặp.
“Tôi đã nhiều lần đến một số cơ quan đề nghị gặp lãnh đạo để đưa ra đề xuất, không phải khiếu nại tố cáo và mặc dù cơ quan có ban tiếp công dân nhưng không tiếp, tôi phải chờ từ sáng đến trưa” – ông Hà nói và đề xuất mở rộng hình thức tiếp công dân trực tuyến để người dân có nhiều hơn nữa cơ hội được bày tỏ ý kiến.
Trả lời cử tri về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định luật pháp đã quy định rõ ràng về nghĩa vụ tiếp công dân của lãnh đạo. Ông nhấn mạnh, nếu có cán bộ vi phạm, né tránh hoặc không thực hiện, khi bị phản ánh chính xác sẽ phải chịu xử lý nghiêm theo quy định.
"Bản thân cán bộ phải ý thức được đây là quy định thuộc về trách nhiệm và bổn phận phải làm" - Chánh án TAND Tối cao nói và đề nghị cử tri lần sau nên nêu đích danh cán bộ, cơ quan né tránh.
Dự án khu phức hợp Đầm Sen treo gần 50 năm
Cử tri Phan Thị Nam (phường 3, quận 11) cho rằng hiện nay mức lương cơ bản đã tăng, kèm theo đó là mức giá đóng BHYT cũng tăng từ 972.000 đồng lên 1.263.600 đồng, gây áp lực không ít với những người thuộc diện lao động tự do.
Theo bà Nam, mức lương cơ bản tăng nhưng thu nhập của lao động tự do không tăng, không những thế còn phải chịu sự tăng giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm. “Cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, họ sẽ không có khả năng mua BHYT và nếu rủi ro bệnh tật sẽ không có khả năng chi trả viện phí” – bà Nam bày tỏ và mong muốn các bộ ngành liên quan nghiên cứu giảm mức giá mua BHYT hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho các hộ dân lao động tự do.
Hai cử tri phường 3 (quận 11) là Nguyễn Phùng Nữ Thoại và Lê Mỹ Phụng nêu kiến nghị với tổ ĐBQH xem xét, giải quyết quy hoạch treo tại dự án khu phức hợp 5,8 ha Đầm Sen. Hiện dự án này đã tồn tại quy hoạch treo gần 50 năm.
“Người dân sinh sống bất an, nhà cửa xuống cấp trầm trọng, nhiều hộ gia đình phải chuyển đi nơi khác để sống. Chúng tôi có đất nhưng chỉ để trồng rau, không được xây dựng hay cơi nới” – bà Thoại chia sẻ và mong chính quyền xem xét cho người dân xây dựng nhà hoặc chuyển mục đích sử dụng đất vườn thành đất ở.
Về dự án khu phức hợp 5,8 ha Đầm Sen, ông Lê Minh Trí cho biết đây là dự án phức tạp, không chỉ thuộc trách nhiệm của quận 11 mà cần sự phối hợp của các sở, ngành và lãnh đạo TP.
Ông cũng cho rằng quận 11 cần bám sát các cơ quan liên quan để có chỉ đạo cụ thể chứ không chỉ trả lời phần trách nhiệm của quận.
Ông cho hay thời điểm giữ cương vị chủ tịch UBND quận 11, ông đã từng đề xuất xây nhà cấp ba để người dân khu phức hợp tạm ổn định trong khi chờ dự án, thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa có tiến triển.
"Các quy định pháp luật đã có sẵn và HĐND cũng đã phản ánh, quận 11 cần theo dõi sát sao, nếu có sự chậm trễ thì báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền để giải quyết" - ông Trí nhấn mạnh và đề nghị các bên liên quan xem xét lại quy hoạch, công tác quản lý nhà nước, tính hiệu quả của dự án, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp, thậm chí phải có bước chuyển đổi mạnh mẽ.
Ông Lê Minh Trí cũng đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét và đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm dự án trong năm 2025, không để tình trạng "treo" kéo dài thêm.
Nếu không thể triển khai theo kế hoạch ban đầu thì phải điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư vào lĩnh vực khác, hoặc mạnh dạn từ bỏ dự án để người dân có cuộc sống ổn định.
Với 14 ý kiến ghi nhận tại buổi tiếp xúc, ĐB Lê Minh Trí cho biết Tổ ĐBQH sẽ tiếp thu đầy đủ và phản ánh đến cấp thẩm quyền để trả lời hoặc nghiên cứu.
Ông cũng yêu cầu lãnh đạo các quận 5, 8 và 11 trong thẩm quyền phải có chỉ đạo kịp thời, phối hợp với Tổ ĐBQH đưa ra kiến nghị lên cấp trên nhằm hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian xử lý vấn đề.