Chánh án TAND TP Cần Thơ: Khi xét xử, thẩm phán chỉ vì công lý

(PLO)- Thường xuyên giải quyết các vụ án hành chính mà người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND các cấp, chánh án TAND TP Cần Thơ khẳng định tòa án xét xử trên tinh thần pháp luật là trên hết, ủy ban sai thì phải xử ủy ban sai, mà ủy ban đúng thì phải bảo vệ.

Trong mấy năm trở lại đây, TAND hai cấp của TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác xét xử, tỉ lệ giải quyết án luôn bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu Quốc hội (QH) đề ra. Các vụ án dân sự tồn đọng qua nhiều năm đã dần dần được giải quyết gần hết. Án hình sự luôn đảm bảo chỉ tiêu, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Thái Quang Hải, Chánh án TAND TP Cần Thơ, để hiểu thêm về cách làm của cơ quan này nhằm có được những thành quả trên.

Giải quyết cơ bản án tồn đọng trong nhiều năm

. Phóng viên: Thời gian qua, TAND hai cấp của TP Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, ông có thể cho biết điều gì đã tạo nên kết quả đó?

ông Thái Quang Hải, Chánh án TAND TP Cần Thơ

+ Ông Thái Quang Hải (ảnh): Tất cả kết quả đạt được trong ba năm qua có được của TAND hai cấp của TP Cần Thơ là nhờ vào công sức đóng góp của toàn bộ tập thể, từ lãnh đạo, thẩm phán đến thư ký.

Với mong muốn phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn nên ngay từ đầu ban lãnh đạo đã xây dựng kế hoạch học tập kinh nghiệm mô hình bộ phận một cửa của TAND tỉnh An Giang để phục vụ công tác hành chính tư pháp.

Từ tháng 10-2020, bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ tại TAND TP Cần Thơ chính thức bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, bộ phận một cửa đã đi vào nề nếp, tiếp nhận nhiều hồ sơ, người dân đến thuận lợi hơn. Trong nhiều năm qua thì đây là một nét mới của TAND TP.

. Trước khi thực hiện bộ phận một cửa thì tâm lý cán bộ, nhân viên trong tòa như thế nào, thưa ông?

+ Trước đó, việc tiếp nhận hồ sơ của đương sự thực hiện ở “nhiều cửa”, ai cũng có thể nhận hồ sơ. Việc thay đổi một cái mới thì ban đầu anh em cũng bỡ ngỡ, mất một thời gian để tìm hiểu, học hỏi, đến nay thì công việc này đã đi vào nề nếp.

Bộ phận một cửa TAND TP Cần Thơ tiếp nhận đơn khởi kiện của người dân. Ảnh: NHẪN NAM

. Trong một lần làm việc với đoàn giám sát của QH, ông có báo cáo về công việc xử lý án tồn đọng, kết quả đến nay ra sao?

+ Tính đến năm 2020, những vụ án thụ lý trước năm 2016 của toàn TP Cần Thơ còn 700-800 vụ. Đến nay các quận, huyện đã cơ bản giải quyết xong các vụ án đó; TP cũng giải quyết cơ bản.

Vừa rồi, tháng 6-2023, đơn vị cũng đã kiểm tra các án thụ lý từ trước năm 2020, đến nay cũng đã xét xử gần xong, trong đó một số tòa đã xử xong. Lãnh đạo TAND TP Cần Thơ đặt chỉ tiêu tới ngày 30-9-2023 cơ bản giải quyết xong án thụ lý từ năm 2021 trở về trước.

Các vụ án tồn đọng là điều trăn trở của đơn vị và việc cố gắng giải quyết các vụ án này là sự phấn đấu của toàn thể anh em trong đơn vị. Đương nhiên cũng sẽ còn một số đơn vị và còn rải rác một số vụ chứ không phải đã giải quyết hết hẳn nhưng phải thấy đây là sự cố gắng.

Một trong những lý do án dân sự còn tồn đọng thường liên quan đến vấn đề đo đạc, định giá mà các trung tâm đo đạc, định giá ít, chỉ làm giờ hành chính nên số lượng vụ việc được đo đạc, định giá cũng hạn chế.

Ngoài ra, án dân sự sơ thẩm thường có ủy thác tư pháp rất nhiều, thời gian chờ kết quả rất lâu.

Tuy nhiên, nhiều năm về trước, tỉ lệ giải quyết án dân sự sơ thẩm trung bình một năm của toàn TP chỉ có khoảng 10% nhưng năm nay tới thời điểm này (đầu tháng 9) đã giải quyết được 40%. Đây là một sự cố gắng rất lớn!

Xét xử trên tinh thần bảo vệ cái đúng

. Vừa qua, Chánh án TAND Tối cao cùng đoàn công tác làm việc tại Cần Thơ, báo cáo của TAND TP Cần Thơ cho thấy lượng án hành chính của tòa ngày càng tăng, ông có thể thông tin chi tiết hơn?

+ Án hành chính nhìn chung số lượng nhiều hơn so với đơn vị bạn do số lượng dự án thu hồi đất của TP nhiều. Tuy nhiên, việc xét xử án hành chính đạt so với yêu cầu của Qh (chỉ tiêu giải quyết 65% lượng án thụ lý).

Cái khó là luật quy định chỉ có chủ tịch ủy quyền cho phó chủ tịch UBND tham dự phiên tòa, trong khi chủ tịch hay phó chủ tịch cũng bận rất nhiều việc, ít có điều kiện tham dự phiên tòa theo quy định. Với cái khó này thì tòa án cũng tăng cường đối thoại trực tuyến, xử trực tuyến để tạo điều kiện cho chủ tịch hoặc phó chủ tịch có mặt đầy đủ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ xét xử trực tuyến hiện chưa đảm bảo.

. Trong việc xét xử án hành chính, thẩm phán có bị tâm lý e ngại hay không khi mà người bị kiện thường là UBND, người đứng đầu UBND các cấp?

+ Không e ngại đâu! Thực tế TAND TP Cần Thơ đã tuyên hủy nhiều quyết định của cơ quan hành chính ban hành sai. Tòa án xét xử trên tinh thần pháp luật là trên hết. Nếu ủy ban sai thì phải xử ủy ban sai, mà ủy ban đúng thì phải bảo vệ, xét xử trên tinh thần bảo vệ cái đúng, bảo vệ công lý chứ không vì áp lực bên nào.

Thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác

. Trước đây, TAND TP Cần Thơ phân công thẩm phán chuyên biệt hơn, ví dụ thẩm phán thuộc tòa hình sự thì chuyên xét xử án hình sự, thuộc tòa dân sự thì chuyên xử án dân sự. Nhưng hiện nay thì khác, thẩm phán tòa hình sự vẫn xét xử án dân sự và ngược lại, việc này có ảnh hưởng đến chất lượng xét xử không?

+ Khi phân công thẩm phán xét xử chúng tôi cũng dựa theo chuyên môn của thẩm phán theo từng tòa dân sự, hình sự… nhưng cũng có trường hợp thẩm phán tòa hình sự xử dân sự và tòa dân sự xử hình sự. Việc phân công này để cho các thẩm phán có cái nhìn tổng quan, cạnh đó khi theo yêu cầu của đơn vị cần có sự chuyển đổi vị trí công tác thì các thẩm phán không bỡ ngỡ.

Ngoài ra, do công việc đặc thù, nếu một người làm mãi ở một vị trí thì sẽ có khả năng phát sinh tiêu cực nên cần phải luân chuyển qua lại để hạn chế vấn đề tiêu cực hoặc những mối quan hệ khó xử.

Với trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo TAND TP đã nhìn thấy các khả năng có thể xảy ra để có các biện pháp phòng ngừa trước cho đồng chí, đồng đội của mình. Việc chuyển đổi vị trí để anh em giữ mình, lãnh đạo cũng yên tâm và đảm bảo sự công bằng.

. Khi thực hiện như vậy thì tâm lý cán bộ của tòa ra sao?

+ Cũng có người thích, có người không thích. Tuy nhiên, khi luân chuyển thì cũng xem xét để các anh em được công tác gần nhà nhất có thể cho nên nhìn chung đội ngũ thẩm phán không có ý kiến gì.

Cho đến thời điểm này và hy vọng là cả sau này cũng không xảy ra chuyện gì với anh em. Tôi không đảm bảo chắc chắn quản hết được nhưng cũng cố gắng rèn giũa anh em, cứ có manh mối thông tin anh em mà cư xử với người dân chưa chuẩn, thậm chí qua nhiều luồng dư luận như báo chí hay mạng xã hội thì sẽ chấn chỉnh ngay, nếu anh em đúng nhưng để người dân hiểu sai thì cũng phải nhắc nhở. Quan điểm của lãnh đạo tòa là lấy việc phục vụ người dân là trên hết.

. Với tư cách người đứng đầu ngành tòa án TP Cần Thơ, ông có mong muốn gì đối với sự phát triển của ngành tòa án TP trong thời gian tới?

+ Tôi mong trụ sở của một số tòa án xuống cấp được đầu tư xây dựng mới như TAND các quận Thốt Nốt, Ô Môn. Các đơn vị này hiện có số lượng án thụ lý trên 1.000 vụ/năm nhưng chỉ có một phòng xử nên cũng ảnh hưởng việc xét xử. Bên cạnh đó, mong các tòa được trang bị máy móc hiện đại; biên chế đầy đủ; anh em làm việc năng suất cao hơn, giỏi hơn, làm việc và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Lượng án tăng 30%, chuẩn bị tuyển thêm biên chế

Các năm trước TAND hai cấp của TP Cần Thợ thụ lý trung bình khoảng 10.000 vụ/năm. Năm nay mới 11 tháng mà tổng số án thụ lý của TAND hai cấp gần 13.000 vụ (tăng 30%).

Ngành tòa án Cần Thơ tăng cường xét xử trực tuyến án hành chính. Ảnh: NHẪN NAM

Biên chế của đơn vị được TAND Tối cao phân bổ 220 người nhưng thực tế mới thực hiện được 192, còn gần 30 biên chế (khoảng 15%) đang chuẩn bị thi tuyển. Việc tuyển mới các biên chế này sẽ thực hiện vào cuối năm. Các thư ký tuyển mới sẽ phải mất vài năm đào tạo thực tiễn mới thuần thục công việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới