Chánh án Tòa Tối cao yêu cầu xem xét lại vụ 'cướp giật bánh mì'

Văn bản nói trên do Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn ký thay Chánh án TAND Tối cao (ông Nguyễn Hòa Bình) và được đăng tải công khai trên website của TAND Tối cao.

Văn bản này cho biết ngày 24-7, tại trụ sở TAND Tối cao tại Hà Nội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp nghe đại diện TAND TP.HCM báo cáo về nội dung và quá trình giải quyết vụ án cướp giật bánh mì xảy ra ở quận Thủ Đức, TP.HCM.

Theo báo cáo của đại diện TAND TP.HCM, trong vụ án này Ôn Thành Tân, sinh ngày 10-9-1998 (khi phạm tội 17 tuổi một tháng tám ngày) và Nguyễn Hoàng Tuấn, sinh ngày 15-8-1998 (khi phạm tội 17 tuổi một tháng 27 ngày), bị VKSND quận Thủ Đức truy tố về tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999. TAND quận Thủ Đức, TP.HCM kết án về tội cướp giật tài sản và ban hành mức án tại Bản án hình sự sơ thẩm số 325/2016/HSST ngày 20-7-2016.

Trong vụ án này, các bị cáo Tân và Tuấn có hành vi cướp giật tài sản. Tuy nhiên, khi phạm tội các bị cáo đều là người chưa thành niên; tài sản bị chiếm đoạt có giá trị 45.000 đồng là không lớn và đã được thu hồi, trả lại cho người bị hại; sau khi phạm tội, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; về nhân thân, các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Sau khi nghe báo cáo chi tiết nội dung vụ án và quá trình xét xử, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận:

Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự (nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) phải đặt ra năm vấn đề:

Một là: Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Hai là: Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng nhưng gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Ba là: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Bốn là: Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của bộ luật này.

Năm là: Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, việc cơ quan điều tra và VKS áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là không cần thiết. Khi thụ lý vụ án, TAND quận Thủ Đức, TP.HCM đã thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là đúng quy định của Điều 69 Bộ luật Hình sự, Điều 88 và Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong vụ án này, bị cáo Tân là người rủ bị cáo Tuấn đi cướp giật tài sản và là người điều khiển xe chở Tuấn đến nơi thực hiện tội phạm, sau đó chở Tuấn tẩu thoát. Tuy nhiên, TAND quận Thủ Đức lại nhận định bị cáo Tuấn có nhân thân không tốt vì có hành vi trộm cắp tài sản và đang bị VKSND huyện Củ Chi truy tố tại Cáo trạng số 117/Ctr/VKS-HS ngày 05-5-2016 nên đã tuyên hình phạt cao hơn bị cáo Tân là đánh giá không đúng vai trò của các bị cáo trong vụ án.

“Ở thời điểm này, bị cáo Tuấn chưa bị xét xử bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi trộm cắp tài sản thì không bị coi là tình tiết tăng nặng là tái phạm, đồng thời về nhân thân của bị cáo cũng chưa bị xử phạt hành chính. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Tân tám tháng 20 ngày tù và bị cáo Tuấn 10 tháng tù quá nghiêm khắc…” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn kết luận.

Để bảo đảm việc giải quyết vụ án trên đúng quy định của pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm vụ án này, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu:

Giao TAND TP.HCM khẩn trương kiểm tra để xác định: Nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKSND TP.HCM đối với bản án sơ thẩm, thì TAND TP.HCM thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Khi xét xử phúc thẩm vụ án, tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giao chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM rút hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với TAND các cấp, khi xét xử các vụ án hình sự phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị cáo, đặc biệt là đối với bị cáo là người chưa thành niên. Các tòa án phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập trong xét xử để ra các bản án bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không được ra bản án, quyết định có nội dung chấp nhận sai sót nghiêm trọng của cơ quan điều tra, VKS trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới