Chật vật tìm kho bãi mùa kinh doanh cuối năm

(PLO)- Nguồn cung kho bãi đang là vấn đề khiến các nhà kinh doanh đau đầu, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay đang là thời điểm doanh nghiệp trên cả nước nói chung và thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng tăng tốc trước lưu trữ, bảo quản các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở mọi thời điểm. Đây cũng là khoảng thời gian mà sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng cao nhất để chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán.

Chính vì thế, vấn đề kho bãi hay kho hàng đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.

Bắt đầu tìm kiếm kho hàng

Trong báo cáo mới phát hành, Cushman & Wakefield, một công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu, cho biết: Bình quân tỉ lệ lấp đầy nhà kho ở TP.HCM và Hà Nội hai quý đầu năm đã đạt mức trên 90%. Trong các tháng còn lại, công suất hoạt động ở các nhà kho tại hai đô thị lớn này dự kiến có thể lên đến 100% khi các nhà bán lẻ ký hợp đồng dài hạn để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Dưới sức ép trên, sự khan hiếm nguồn cung nhà kho ngày càng thể hiện rõ.

“Thực tế các nhà bán lẻ đã bắt đầu tìm kiếm kho hàng từ khoảng tháng 6 hằng năm và ký hợp đồng ngắn hạn để chuẩn bị cho mùa lễ hội. Trong khi đó nguồn cung nhà kho chuyên nghiệp đáp ứng đủ các yêu cầu trên gần như không có đối với khu vực nội thành TP.HCM và Hà Nội. Các doanh nghiệp cần kho đầu cuối thường phải tìm kiếm mặt bằng nhà phố để lưu trữ, đóng gói và phát hàng” - bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thông tin thêm.

Một số đơn vị đã tích hợp, áp dụng số hóa, ứng dụng robot trong kho hàng để rút gọn thời gian giao hàng. Ảnh: TH

Một số đơn vị đã tích hợp, áp dụng số hóa, ứng dụng robot trong kho hàng để rút gọn thời gian giao hàng. Ảnh: TH

Đại diện sàn Lazada thừa nhận áp lực gia tăng đối với hệ thống giao hàng, hậu cần kho bãi trong mùa mua sắm cuối năm là xu hướng tất yếu của tất cả nền tảng TMĐT nói chung. Chính vì thế, logistics được xem là một trong những trụ cột chính tại Lazada.

“Với sức mua ngày một tăng cao, chúng tôi đã mở rộng mạng lưới hậu cần với hơn 500 cơ sở kho bãi trung tâm phân loại và đầu mối. Chúng tôi cũng sở hữu hệ thống vận chuyển tự hành (đội xe) lớn trên thị trường và có tổng diện tích kho bãi và trung tâm phân loại hơn 300.000 m2 được vận hành bằng công nghệ tiên tiến như trí tuệ thông minh để rút ngắn thời gian giao hàng, kể cả trong mùa cao điểm” - đại diện sàn này chia sẻ.

Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, hệ thống kho bãi ở Việt Nam phân bố không đều với hơn 70% diện tích kho bãi phân bố tại các trung tâm kinh tế phía Nam.

Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh khác nhìn nhận kho bãi là bộ phận không thể thiếu giúp họ tiết kiệm chi phí cũng như vận hành chuỗi cung ứng trôi chảy. Hiện nhu cầu kho bãi đang có xu hướng tăng mạnh, trong khi nguồn cung thiếu nên giá thuê tăng.

Do đang thiếu kho bãi nên nhiều đơn vị kinh doanh phải tận dụng nhà phố như một giải pháp cho việc đáp ứng đủ nhu cầu kho bãi cuối năm. Tuy nhiên, với diện tích hạn chế, các nhà kho tự phát phải hoạt động liên tục hằng ngày để tránh dồn đơn hàng. Đồng thời, các yếu tố như phòng cháy chữa cháy, sức khỏe của người lao động cũng như khả năng bảo quản đơn hàng lạnh vẫn còn hạn chế.

Áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa

Để khắc phục tình trạng thiếu kho bãi và chuẩn bị cho những tháng cuối năm, các nhà sản xuất, kinh doanh áp dụng nhiều giải pháp như đào tạo đội ngũ quản lý kho bãi chuyên nghiệp, đầu tư hệ thống giá kệ kho hàng, đầu tư xây dựng kho hàng giúp tối ưu hóa việc chuyển hàng đến với khách hàng, giảm chi phí. Đặc biệt một số đơn vị đã tích hợp, áp dụng số hóa, tự động hóa trong khâu vận hành.

Đại diện sàn TMĐT Shopee cho biết đơn vị này đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp. Ví dụ mở rộng mạng lưới kho vận trên toàn khu vực, khi nâng cấp kho hàng hiện tại cũng như đưa vào hoạt động gần 10 kho hàng mới.

“Điều này tạo điều kiện cho dịch vụ của chúng tôi cũng như các đối tác vận chuyển hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh để cung cấp thêm những dịch vụ chuyên biệt dành cho người bán, giúp họ đáp ứng nhanh chóng nhu cầu mua sắm đang gia tăng, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm như các sự kiện mua sắm lớn hằng năm” - đại diện Shopee chia sẻ.

Đáng chú ý, TikiNOW Smart Logistics (TNSL), công ty logistics trực thuộc sàn TMĐT Tiki, đã triển khai ứng dụng robot vào quy trình vận hành.Theo đó, toàn bộ quy trình lấy hàng sẽ được tự động hóa nhờ robot.

Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cấp cao giải pháp chuỗi cung ứng Tiki, cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ vào quản lý, đảm bảo tính chính xác và tức thời. Nhờ đó, chúng tôi làm được những thứ khó nhất, giao được hầu hết mặt hàng bán trên TMĐT Việt Nam, đồng thời tiết kiệm và giảm chi phí cho nhà bán đến 30%-40%.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cũng nhấn mạnh các loại công nghệ mới như robot, máy bay không người lái (drone) và các hệ thống cảm biến có thể ghi nhận số lượng hàng tồn hoặc cảnh báo rủi ro cháy nổ ở kho đầu cuối, từ đó giúp doanh nghiệp khắc phục hạn chế. Bà cũng cho rằng bối cảnh khan hiếm nguồn cung nhà kho chuyên nghiệp hiện tại chính là cơ hội cho các đơn vị đầu tư và vận hành nhà kho xây sẵn.

“Doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống đồng bộ trên, cùng với việc định lượng được chính xác thời gian nhập xuất hàng hóa, vận chuyển, trả hàng và thanh toán sẽ là người chiến thắng” - bà Trang Bùi nhận định.

Nhu cầu về kho bãi tiếp tục gia tăng

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, dự báo trong năm năm tới có khoảng 40.000 ha đất khu công nghiệp cung cấp cho thị trường. Các kho bãi cũng đang được quan tâm đầu tư mới và nhanh, đến năm 2025 sẽ tăng trưởng 22%.

Đặc biệt đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng. Bởi khi dịch bùng phát, doanh nghiệp đã gặp phải sự gián đoạn chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước. Để khắc phục sự gián đoạn này, doanh nghiệp phải bố trí nhà kho ở khắp nơi để tích trữ nhiều nguyên vật liệu, thành phẩm có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó hiện nay giá dầu, giá nguyên liệu tăng lên nên các doanh nghiệp phải mua dự trữ trước nên cần thêm diện tích mặt bằng để chứa hàng hóa nguyên liệu.

Đáng chú ý, nhu cầu kho bãi cho TMĐT cũng gia tăng, nhất là nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa. Đây là cơ hội để các ông lớn đầu tư kho bãi hiện đại, tham gia sâu vào phát triển chuỗi cung ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm