Châu Âu đối mặt mùa đông lạnh hơn, chính phủ các nước làm gì lúc này?

(PLO)- Các nhà khoa học cảnh báo châu Âu có thể sẽ đối mặt mùa đông lạnh hơn, trong khi nhiều nước hiện vẫn chưa giải quyết được vấn đề năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Washington Post, tình hình châu Âu đang trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết khi các nước này chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá, cũng là thời điểm nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng vọt. Trong khi đó, chính phủ các nước này vẫn đang đau đầu tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tờ Financial Times dẫn thông tin một số dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung Châu Âu (ECMWF) rằng thời gian sắp tới châu Âu sẽ trải qua mùa đông lạnh hơn so với nhiều năm trước do các hiện tượng “thời tiết cực đoan” có thể khiến thời tiết mùa đông khắc nghiệt hơn.

Châu Âu sẽ đón 1 mùa đông khắc nghiệt hơn?

Ngày 2-10, tờ The Financial Times dẫn lời Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung Châu Âu (ECMWF) - bà Florence Rabier rằng những dữ liệu hiện tại cho thấy các luồng khí lạnh sẽ tràn xuống khu vực tây Âu nhiều hơn mọi năm, khiến các nước này đứng trước nguy cơ đối mặt với mùa đông khắc nghiệt trong tháng 11 và 12.

Các nguồn dự báo sớm cho thấy châu Âu sẽ đón mùa đông lạnh hơn. ẢNH: REUTERS

Các nguồn dự báo sớm cho thấy châu Âu sẽ đón mùa đông lạnh hơn. ẢNH: REUTERS

Bà còn dự đoán rằng các nước châu Âu sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng, do mùa đông sắp tới được dự đoán sẽ ít gió và mưa, khiến việc sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và thủy điện gặp nhiều khó khăn.

Bà Rabier lưu ý rằng châu Âu vừa trải qua 1 mùa hè khắc nghiệt với nắng nóng kỷ lục và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ. Điều này đã giúp châu Âu sản xuất ra một lượng lớn năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, nắng nóng và hạn hán cũng khiến tỉ trọng sản xuất năng lượng gió và thủy điện giảm mạnh trong cơ cấu năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) trong mùa hè vừa rồi.

Dưới tác động của các cơn bão gần đây tại khu vực Đại Tây Dương như bão Ian, bão Fiona, thì theo bà Rabier, thời tiết châu Âu có thể trở nên ôn hòa trong 1 khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina (hiện tượng nhiệt độ xuống thấp do áp suất từ khu vực áp cao tràn xuống gây rét đậm rét hại tại khu vực chịu ảnh hưởng), châu Âu được dự báo sẽ trải qua mùa đông rét đậm hơn.

Nan giải trước thử thách năng lượng

Trong những tháng gần đây, Brussels đã quay cuồng với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá khí đốt tăng vọt, mà nguyên nhân là từ các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga từ hồi tháng 2, khiến Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Để giảm bớt tình trạng khó khăn trên, ngày 30-9, EU đã thông qua 1 gói các biện pháp khẩn cấp, theo tờ The Washington Post.

Châu Âu ngày càng khó khăn khi thiếu nguồn cung dầu Nga. ẢNH: TASS

Châu Âu ngày càng khó khăn khi thiếu nguồn cung dầu Nga. ẢNH: TASS

Gói biện pháp được thông qua bao gồm việc đánh thuế phụ thu đối với khoản lợi nhuận tăng thêm của các công ty nhiên liệu hóa thạch trong năm nay hoặc năm tới. Đây là khoản lợi nhuận mà các nhà sản xuất điện giá rẻ kiếm được nhờ giá điện tăng cao.

Nhằm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, các nước EU cũng đồng ý mục tiêu tự nguyện giảm 10% tổng điện tiêu thụ trong toàn khối và giảm 5% điện năng trong giờ cao điểm.

Theo The Washington Post, một biện pháp khác cũng được đề xuất tại cuộc họp là EU sẽ áp trần giá khí đốt diện rộng, tuy nhiên biện pháp này vấp phải sự phản đối của Đức và nhiều thành viên khác trong khối, do lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng khả năng đảm bảo nguồn cung khí đốt trên thị trường toàn cầu cho EU.

Giám đốc tổ chức tư vấn Eurasia Group - ông Henning Gloystein nhận định rằng những kế hoạch ứng phó khủng hoảng năng lượng trước mùa đông của châu Âu tiềm ẩn nhiều thử thách. Trong đó, khó khăn lớn nhất là giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bùng nổ khi nhu cầu tăng vọt vào mùa đông, đây cũng là điều châu Âu khó có thể đối phó được bằng các kế hoạch hiện nay, The Washington Post đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm