Châu Âu vẫn đang quay cuồng với tác động từ việc cắt đứt quan hệ thương mại với Nga và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa Trung Quốc (TQ) và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế, chuyến đi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến TQ sẽ không dễ dàng, tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định.
Làm rõ hơn thế khó của châu Âu, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng làm việc cho chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush lưu ý rằng châu Âu đã phải chịu tổn thương kinh tế sâu sắc vì tách khỏi quan hệ kinh tế với Nga và sẽ khó có thể tưởng tượng được điều gì xảy ra nếu làm điều tương tự với TQ.
SCMP cho rằng một lý do để ông Macron tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh là nhằm làm đối trọng gói trợ cấp mới mà Mỹ vừa ban hành với các doanh nghiệp làm ăn tại Mỹ, điều mà Pháp lo ngại sẽ thu hút các doanh nghiệp châu Âu qua bên kia bờ Đại Tây Dương.
Các quan chức châu Âu cho biết Pháp “không có ý định” tách khỏi TQ, ngay cả khi Pháp ủng hộ các biện pháp phòng vệ thương mại mà Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo để đối phó với hành vi kinh tế của Bắc Kinh.
Khách tham quan đi ngang qua một gian hàng Huawei tại Liên hoan Cannes trí tuệ nhân tạo thế giới (WAICF) ở Cannes (Pháp) vào ngày 10-2. Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên ở mặt khác, các nước EU từ lâu đã lo ngại về những rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến các khoản đầu tư của TQ vào khối này. EU cũng chịu áp lực từ Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của TQ với công nghệ tiên tiến trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh, theo SCMP.
Hà Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tuân theo lệnh cấm bán dẫn của Mỹ đối với TQ, trong khi Đức đang xem xét thiết bị 5G của Huawei và ZTE (của TQ) trong các mạng viễn thông của mình về các rủi ro an ninh quốc gia.