Châu Âu và bài toán nan giải chi tiêu quốc phòng

(PLO)- Liên minh châu Âu (EU) đang rất cần một kế hoạch khả thi để dành ra hàng trăm tỉ euro nhằm tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên.

Với xung đột Nga-Ukraine và sự trở lại của ông Donald Trump, sức ép lên các đồng minh châu Âu về quốc phòng càng lớn. Liên minh châu Âu (EU) đang rất cần một kế hoạch khả thi để đảm bảo có hàng trăm tỉ euro nhằm tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên.

Tuy vậy, mọi lựa chọn tài chính tiềm năng hiện nay, từ việc chính phủ tăng ngân sách quốc gia, vay nợ chung của EU cho đến khả năng tạo ra một phương thức tài trợ mới, đều đi kèm những thách thức riêng, khiến yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của EU ngày một khó thực thi hơn trước.

Yêu cầu khổng lồ

Để đảm bảo tăng cường khả năng phòng thủ của các nước thành viên, EU cần đầu tư quốc phòng với một số tiền khổng lồ. Chỉ một chương trình phòng không đã buộc khối này ước tính cần đầu tư 500 tỉ euro (524 tỉ USD) trong vòng một thập niên tới, theo hãng tin Reuters.

Cờ Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài trụ sở Ủy ban Châu Âu (EC) tại Brussels (Bỉ). Ảnh: REUTERS

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Mark Rutte cũng đưa ra lưu ý tương tự khi kêu gọi các nước thành viên NATO áp dụng "tư duy thời chiến", tăng chi tiêu quốc phòng từ mục tiêu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 3%. Để đạt được mục tiêu đó, EU sẽ phải chi thêm gần 200 tỉ euro mỗi năm.

Ngay cả khi đặt mục tiêu thấp hơn cũng sẽ là "một sự gia tăng rất lớn và hiện tại, họ chưa có kế hoạch cho điều đó" - ông Dick Zandee, thành viên ban Nghiên cứu của Viện Clingendael (Hà Lan) và là cựu Giám đốc bộ phận hoạch định chính sách tại Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), cho biết.

Khó khăn chồng khó khăn

Bên cạnh việc yêu cầu về tài chính cần đáp ứng là quá lớn, năng lực của từng nước EU cũng là một vấn đề cản trở quá trình tăng chi tiêu quốc phòng.

Với việc ngân sách của nhiều quốc gia thành viên đang phải chịu áp lực, các nhà kinh tế cho rằng chỉ có Đức - một trong những nền kinh tế lớn của EU - mới có khả năng tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, theo Reuters.

Trong khi đó, Pháp đang trên đà đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, nhưng bất ổn chính trị đã làm gia tăng áp lực ngân sách. Tây Ban Nha và Ý tụt lại phía sau với mức chi tiêu quốc phòng dưới 1,5% GDP. Trong khi đó, Ba Lan cũng đang gây áp lực lớn lên ngân sách khi đặt mục tiêu chi tiêu gấp đôi mức yêu cầu của liên minh, ở mức 4,12% GDP.

Binh lính Đức tại một địa điểm huấn luyện của lực lượng hải quân ở TP Eckernfoerde (Đức). Ảnh: REUTERS

"Chúng ta có vấn đề rằng một số quốc gia thành viên bị hạn chế về tài chính, trong khi đó một số quốc gia ở xa các mối đe dọa quân sự hơn nên ít có động lực để gánh vác trách nhiệm" - chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) Sander Tordoir cho biết.

Những phương án mới

Phương án giúp khắc phục điểm yếu trên sẽ là một mô hình cho phép EU vay nợ trực tiếp thay vì từng nước riêng lẻ, thông qua việc phát hành thêm trái phiếu trên thị trường quốc tế, được bảo đảm từ ngân sách dài hạn của EU. Phương án này sẽ tương tự quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 800 tỉ euro trước đây, theo Reuters.

Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ phương án này đòi hỏi sự tán thành của toàn bộ 27 nước thành viên EU. Đức thường sẽ phản đối các kế hoạch vay nợ trên quy mô toàn khối. Berlin chỉ mới chấp nhận quỹ phục hồi cho đại dịch như một ngoại lệ vay chung toàn khối duy nhất từ trước đến nay, và chưa rõ liệu cuộc bầu cử sắp tới tại nước này có làm thay đổi quan điểm của Berlin hay không.

Ngoài ra, ngân sách của EU cũng không thể dùng để tài trợ trực tiếp cho quốc phòng. Cũng có những lo ngại về việc tăng thêm nợ của EU sẽ làm căng thẳng thêm ngân sách vốn đã eo hẹp của khối này.

Một ý tưởng khác là tạo ra một phương tiện tài chính đặc biệt mới theo mô hình quỹ cứu trợ khu vực đồng euro - Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Theo đó, EU sẽ huy động tài chính thông qua việc bán trái phiếu được bảo đảm từ nguồn vốn đóng góp của các quốc gia thành viên, từ đó cung cấp các khoản vay cho các quốc gia có nhu cầu.

Ngoại trưởng các nước thành viên NATO chụp hình chung tại trụ sở liên minh ở Brussels (Bỉ) ngày 4-12. Ảnh: REUTERS

Nhưng nhiều chuyên gia về kinh tế cho biết một công cụ tài chính như vậy sẽ phải trả lãi suất cho các nước đầu tư cao hơn lãi suất hiện tại của EU, ít nhất là trong giai đoạn đầu, vì là bên đi vay mới xuất hiện. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng hỗ trợ của công cụ mới này cho các nước có nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng.

Những điểm sáng

Mặc dù có nhiều trở ngại, thị trường nhìn nhận việc tăng chi tiêu quốc phòng chung sẽ là một cơ hội lớn để EU trở thành một người vay nợ lâu dài và ổn định trên thị trường tài chính, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa các quốc gia thành viên.

Trước đó, việc bán trái phiếu tài trợ cho quỹ phục hồi COVID-19 đã khiến nợ của EU tăng hơn gấp mười lần kể từ năm 2020, nhưng sức hấp dẫn của trái phiếu bị hạn chế do tính chất ngắn hạn của chương trình này vì các khoản vay mới sẽ kết thúc vào năm 2026, theo Reuters.

Do đó, việc tiếp tục trực tiếp đi vay trên thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu cho nhu cầu mang tính dài hạn hơn như chi tiêu quốc phòng sẽ giúp EU củng cố uy tín và sức hấp dẫn trên trường tài chính quốc tế. Điều này sẽ giúp EU có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn trong tương lai.

"Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng cấu trúc đó ... bạn có thể kỳ vọng chi phí huy động vốn sẽ giảm dần theo thời gian, đơn giản vì đó là một cấu trúc lâu dài" - ông Simon Bell, chuyên gia tài chính tại công ty quản lý đầu tư Legal & General Investment Management (Anh), cho biết.

Ngoài ra, việc sử dụng phương tiện tài chính đặc biệt mới theo mô hình quỹ cứu trợ khu vực đồng euro có thể làm giảm áp lực tài khóa của từng nước trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu tăng cường quốc phòng.

Điều này sẽ xảy ra khi EU vay nợ chung rồi cung cấp tài chính cho các quốc gia theo hình thức trợ cấp chứ không phải các khoản vay. Việc này sẽ giúp các quốc gia có thể nhận được hỗ trợ mà không cần phải hoàn trả lại số tiền này sau này, tạo ra một kiểu phân phối nguồn lực công bằng hơn giữa các quốc gia trong EU.

"[Phương tiện tài chính mới] khác biệt vì đó là sự tái phân phối thực sự [...] Số tiền được chi ra và không cần phải được hoàn trả bởi quốc gia nhận nó" - ông Tordoir nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới