Công văn có nội dung nêu trên do bà Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Châu Đốc - Nguyễn Thị Hồng Loan, ký từ ngày 2-11-2015.
Cụ thể, nội dung công văn có đoạn: "Khi tham gia mạng xã hội nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề có liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác".
Công văn của Phòng GD-ĐT TP Châu Đốc. Nguồn: Motthegioi |
Theo công văn này, trước đó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Châu Đốc nhận được công văn của UBND TP Châu Đốc với Sở Thông tin và truyền thông tỉnh An Giang. Nội dung các công văn đề cập đến việc cá nhân sử dụng mạng xã hội và cung cấp thông tin trên mạng xã hội.
Từ đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đốc đề nghị Hiệu trưởng các trường triển khai đến tất cả giáo viên, nhân viên và học sinh với nội dung như trên.
Tuy nhiên, nội dung nghiêm cấm trong công văn đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Một giáo viên nói với Motthegioi: “Những vấn đề như chính trị… thì tôi chấp nhận, nhưng riêng về chế độ, chính sách, chẳng lẽ tôi bị nợ lương cũng không được nêu bức xúc? Làm giáo viên khổ vậy?”.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 5 Nghị định 72/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, chỉ nghiêm cấm việc đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Pháp luật không có quy định nào nghiêm cấm việc bình luận "làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác" như công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Châu Đốc.
Cũng ở An Giang, như PLO đã đưa tin, hồi tháng 10 vừa qua, cô giáo Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên, An Giang) đọc báo thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”. Cô giáo Trang đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và có một số lời bình luận về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Sau đó, ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) vào “like”, và vợ ông là bà Phan Thị Kim Nga (Phó Văn phòng Sở Công Thương) sử dụng Facebook của chồng để “câu like”.
Các cơ quan chức năng An Giang đã xử phạt cô giáo Trang và ông Phúc mỗi người 5 triệu đồng, bà Nga bị nhắc nhở. Ngoài ra, ba cán bộ này còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.
Sự việc nêu trên thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc, trong khi nhiều ý kiến cho rằng không đáng để xử phạt các cá nhân trên thì các cơ quan chức năng An Giang khẳng định việc xử phạt như vậy là đúng pháp luật. Trả lời trên báo Pháp Luật TP.HCM, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh cũng chia sẻ: “Các cá nhân nói trên có những ý kiến, bình luận về tôi như vậy trên Facebook là quá đáng và ảnh hưởng lớn đến cá nhân tôi, gây tác động nhiều đến dư luận. Tự nhiên mình không như vậy mà người ta nói mình như vậy. Điều này ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý của tôi”.
Các hành vi bị cấm khi tham gia mạng internet Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổchức, cá nhân. ... (Theo Điều 5, Nghị định 72/2013) |