Châu Phi trong đối sách chiến lược của Nga trước phương Tây

(PLO)- Châu Phi sở hữu tiềm lực hấp dẫn về kinh tế, đối ngoại, là lý do khiến Moscow xem châu lục này là đối tác chiến lược, muốn cùng hợp tác sâu rộng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai đã được tổ chức ở TP St. Petersburg (Nga), trang Modern Diplomacy dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng dù không có sức mạnh tài chính như các nền kinh tế phương Tây nhưng với nguồn lực về kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, các nước châu Phi có thể trở thành đối tác quan trọng của Nga, đặc biệt trong bối cảnh Moscow đang chịu bão trừng phạt từ phương Tây.

Tiềm lực nâng tầm châu Phi trên trường quốc tế

Theo tờ The Financial Times, nhìn từ góc độ kinh tế - xã hội, châu Phi có hơn 1,4 tỉ dân, có mức tăng trưởng tiêu dùng ổn định, nhu cầu cao trong phát triển công nghệ và công nghiệp. Điều này hứa hẹn đưa châu Phi trở thành một trong những thị trường tiêu dùng tiềm năng và có khả năng hấp dẫn giới đầu tư quốc tế.

So với phương Tây và Trung Quốc, Nga hiện là đối tác được chào đón nồng nhiệt nhất tại châu Phi, quan hệ của Moscow với khu vực này cũng sẽ khắng khít hơn trong tương lai gần.

Ông ALEXEY MASLOV, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi tại ĐH Quốc gia Moscow (Nga)

Châu Phi nổi tiếng có trữ lượng tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú. Giới quan sát cho rằng nguồn lực tự nhiên này là điều kiện thuận lợi để khu vực phát triển các ngành công nghiệp như khai thác mỏ, năng lượng, chế tạo sản phẩm. Ngoài ra, những lợi thế trên còn có thể giúp châu Phi trở thành nguồn cung khoáng sản ổn định và trở thành đối tác lâu dài với các nước phát triển.

Nói về lĩnh vực chính trị - ngoại giao của châu Phi, ông Anton Grishanov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế đương đại (trụ sở tại Nga), cho rằng việc sáu nước châu Phi (gồm Nam Phi, Ethiopia, Angola, Nigeria, Kenya, Ai Cập) đưa ra sáng kiến hòa bình giải quyết xung đột Nga - Ukraine cho thấy một thực tế rằng uy tín và tiếng nói của châu Phi đã bắt đầu có trọng lượng trên trường quốc tế.

Tại thượng đỉnh Nga - châu Phi ở TP St. Petersburg vừa rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định “phát triển quan hệ đối tác với các nước châu Phi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Moscow”. Theo giới quan sát, điều này cho thấy ban lãnh đạo Nga đã nhìn nhận sâu sắc hơn tiềm năng của châu Phi và phát đi tín hiệu rằng Moscow đang hướng tới một tương lai hợp tác chặt chẽ với khu vực.

Theo trang Modern Diplomacy, với những tiềm lực về kinh tế, chính trị, ngoại giao, châu Phi trở thành “lựa chọn hấp dẫn cho Nga và các nước phương Tây”. Đối với Nga, việc hợp tác với châu Phi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu, mà còn là cơ hội để Moscow định hình lại hình ảnh, vị thế trên trường quốc tế.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển), giữa thế giới đa cực “xoay trục liên tục”, việc hợp tác với châu Phi sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn cho phương Tây, bởi với họ (phương Tây), châu Phi là một đối tác truyền thống mang tính chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo châu Phi trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở TP St. Petersburg hôm 28-7. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo châu Phi trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở TP St. Petersburg hôm 28-7. Ảnh: TASS

Châu Phi: Mục tiêu quan trọng để Nga khôi phục vị thế

Trong hai ngày thượng đỉnh Nga - châu Phi ở TP St. Petersburg, ông Putin khẳng định hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng với Moscow do nó góp phần nâng quan hệ Nga - châu Phi lên một tầm cao mới, đồng thời thúc đẩy các bên phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, an ninh và nhân đạo, theo hãng thông tấn TASS.

Ba ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, điện Kremlin công bố bài bình luận của ông Putin với tiêu đề “Nga - châu Phi: Nỗ lực vì hòa bình, tiến bộ và thành công trong tương lai”, trong đó nhà lãnh đạo Nga nhắc lại việc Moscow phản đối các nước phương Tây can dự quá nhiều vào công việc nội bộ của châu Phi. “Nga luôn nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc các vấn đề châu Phi sẽ do châu Phi tự giải quyết và cũng không bao giờ áp đặt quan điểm của mình lên họ. Moscow cũng không xen vào công việc nội bộ như thể chế, cách thức quản lý, mục tiêu phát triển của các nước châu Phi” - ông Putin nhấn mạnh.

“Sau nhiều thập niên nhường sân chơi châu Phi cho các khu vực và các nước phát triển trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, giờ đây Moscow sẽ nhắm tới khu vực này như một mục tiêu chiến lược nhằm khôi phục ảnh hưởng và địa vị của Nga trên trường quốc tế” - trang Modern Diplomacy dẫn nhận định của bà Laura Chkonia, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Trung Đông và châu Phi (trụ sở tại Nga).

Nổi bật trong những lĩnh vực hợp tác Nga - châu Phi phải kể đến kinh tế và quân sự. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 là 20 tỉ USD, cao gấp ba lần so với năm 2010 và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỉ USD vào năm 2023. Hiện Nga đang đề xuất các dự án xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên châu Phi, đồng thời tập trung vào lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản và nắm giữ các khoản đầu tư quan trọng trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, hạt nhân. Về quân sự, trong bốn năm qua Nga đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự với các đối tác tại châu Phi. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho châu Phi với 35% thị phần trên toàn châu lục.

Ông Cameron Hudson, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ - châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), đánh giá đây là thời điểm mấu chốt cho quan hệ Nga - châu Phi, bởi nếu Nga không đáp ứng được những nguyện vọng của châu Phi, đặc biệt về lương thực mà cụ thể là ngũ cốc, các quốc gia này có thể nới lỏng quan hệ với Nga. Đài CBS News dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng trước nay châu Phi rất coi trọng vấn đề an ninh lương thực, thế nên nếu Nga không đáp ứng được nguồn cung ngũ cốc cho châu Phi, đó sẽ là bước đi sai lầm của Moscow bởi các nước châu Phi có thể sẽ ngả về phía phương Tây và chiến lược của Nga tại châu Phi cũng không đạt hiệu quả như mong đợi.•

Các bên liên quan nói gì về thượng đỉnh Nga - châu Phi?

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết hội nghị lần này đã diễn ra vô cùng thành công khi các bên đạt nhiều thỏa thuận tích cực, theo TASS. Ông Putin cũng ca ngợi thượng đỉnh lần này, cho rằng hội nghị đã đề cập và giải quyết nhiều vấn đề về an ninh, hòa bình và phát triển, có thể giúp quan hệ Nga - châu Phi đi lên.

Kết thúc thượng đỉnh, các bên đề ra 74 điểm nghĩa vụ, trong đó có cơ chế “đối tác đối thoại” về chính trị, kinh tế và khoa học. Moscow tuyên bố sẽ giúp châu Phi đảm bảo an ninh lương thực, ngũ cốc và các nguồn năng lượng. Hai bên còn thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại.

Về vấn đề giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Comoros - ông Azali Assoumani cho biết ưu tiên của khối sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng nhấn mạnh rằng châu Phi sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. Đáp lại, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng ông tôn trọng sáng kiến hòa bình của châu Phi, cho biết sẽ xem xét các điều khoản trong sáng kiến một cách cẩn thận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm