Châu ‘từ thiện’ ở Công viên 23-9

1. Sài Gòn một tối tháng 10-2015, mưa bất ngờ nặng hạt. ở góc đường Ký Con và Trần Hưng Đạo, quận 1, người đàn ông hơn 60 tuổi với những gói đồ bọc kín bằng dây nylon chằng chịt ngồi co ro, hai hàm răng va vào nhau lập cập vì lạnh và đói.

Không lâu sau, có một phụ nữ vội vã tấp vào, vì không kịp khoác áo mưa nên người chị ướt nhẹp, chỉ có hộp cơm trên tay chị vẫn còn ấm nóng. Thấy chị, người đàn ông ngước lên nhìn với ánh mắt sáng rỡ như một đứa trẻ sắp được nhận quà chợ của mẹ.

Người phụ nữ ấy là Nguyễn Mai Châu. Chị Châu gặp người đàn ông này ngồi ở góc đường hơn một tuần trước trong lúc đi tập thể dục về ngang qua. Người đàn ông, mặc dù chẳng còn nhớ tên mình, tâm trí đã trở nên ngơ ngẩn, chộp ăn lấy ăn để hộp cơm. Suốt tháng qua, tối nào chị cũng dặn ông về đây để chị mua cơm cho ăn rồi nhờ chúng tôi liên hệ để đưa ông vào cơ sở bảo trợ của Nhà nước.

Dự định chưa thành khi vài hôm sau, hộp cơm mang đến cho ông vẫn còn treo mãi mà ông không đến lấy để ăn. “Mình còn có cái nhà trọ để về, có người thân chờ đợi chứ ông còn chẳng có nhà, người thân để mà về, mà đợi. Không biết ông giờ ở nơi nào, có gì để ăn không” - chị thẫn thờ.

 
Chị Châu dặn người đàn ông hôm sau lại đến góc đường Ký Con để chị đưa cơm đến ăn. Ảnh: H.LAN

2. Trước đó, có một người đàn ông nhiễm HIV giai đoạn cuối tên L. trú tại phường 6, quận Bình Thạnh. Chị Châu bắt gặp anh trải chiếu nằm ở hiên nhà trong một con hẻm. Anh ta cho biết mới từ bệnh viện ra, không có chỗ ở. Mỗi ngày chị gửi cho anh một hộp cơm để ăn và thuốc bổ để uống. “Anh nói với tôi cần vài cái quần xà lỏn, muốn nằm bệnh viện, tôi hiểu ra bệnh anh đã ở giai đoạn nặng do tiêu chảy hành hạ. Tôi thuê xích lô chở anh đến một số bệnh viện nhưng đều bị từ chối bèn cầu cứu đến công an phường. Lúc lực lượng chức năng xuống, hàng xóm có mặt rất đông. Người đàn ông chắp tay chào mắt rơm rớm vào chiều 30 tết trước khi lên xe rời đi đã ám ảnh tôi. Có nhiều cảnh đời khổ quá!” - chị Châu nói.

3. Chị Châu bỏ mối hải sản, thường đi ngang qua Công viên 23-9. Con gái chị làm nhân viên pha chế, cuộc sống cũng khá chật vật. Hai mẹ con đang thuê căn nhà trọ nhỏ trong hẻm ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Chị không muốn để lại địa chỉ, hình ảnh mong ai đó cám ơn.

Những người già đi bán vé số, bán kẹo cao su ở Công viên 23-9 đều quen mặt chị, gọi chị là Châu “từ thiện”. Không dám ăn ở tiệm, không dám mua đồ mới để mặc nhưng chị biết ai thiếu tấm áo chị mang đến cho, ai nghèo ốm đau thì mua thuốc men đến giúp, có khi là ổ bánh mì lót dạ. bị một công ty giới thiệu việc làm lừa, một số người lao động ngồi khóc ngon lành, chị cũng cho tiền xe về...

Những việc làm âm thầm của chị không làm cho xã hội xoay vần nhưng chí ít cũng đã làm ấm lòng và lan tỏa nghĩa cử “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đối với không ít những phận người chơ vơ, lạc lõng.

Cách đây một năm, chị Châu đã giúp đỡ hai cha con người Pháp có tên Maurice và Jerome sống lay lắt ở Công viên 23-9 về lại nước khi bị quá hạn visa. Không biết đi xe máy, chị đã nhiều lần đạp xe lên xuống Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để hỏi về trường hợp của hai cha con họ như chính người ruột thịt. Hơn một tháng, chiều nào chị cũng mang cơm nước ra cho hai cha con ăn. Chẳng giao tiếp với nhau câu nào vì ngôn ngữ khác nhau nhưng tình cảm đã gắn kết chị và hai cha con thân thiết. Chị liên hệ giúp hai cha con ấy qua nhiều cửa, cuối cùng rồi họ cũng đã được về nước. Họ bịn rịn chia tay người phụ nữ giàu lòng nhân hậu.

Hơn một năm trước, chiều nào chị cũng mang cơm đến cho hai cha con ông Maurice. Ảnh: H.LAN

Em bán kẹo cao su ở Công viên 23-9 để một mình kiếm tiền nuôi con mới ba tuần tuổi, tối về ngủ ở chân cầu Ông Lãnh. Ngày đó em gặp chị Châu lúc đang lờ đờ vì đói, chỉ còn hai ngày nữa là sinh. Chị đi ngang, vội hỏi han và bắt em ăn liền ổ bánh mì với hộp cá mang sẵn. Chưa bao giờ em có cảm giác ngon miệng đến thế. Chị mới hỏi em địa chỉ để đến thăm và mua sữa cho con em uống.

Chị NTN, 22 tuổi, quê An Giang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới