Một giờ chiều, giờ cao điểm của cái nắng tháng tư ở Sài Gòn, trời nóng như thiêu, tiệm sách cũ Bách Hợp tại 50 Đặng Văn Bi chật ních người đủ các lứa tuổi tìm đến mua sách cũ. Với diện tích khá khiêm tốn đủ để bố trí hai lối vào giữa các kệ sách, khó khăn lắm tôi mới chen chân vào dòng người đang hì hục lục tìm những cuốn sách cũ kỹ, mồ hôi thành dòng chảy dài trên má. Chủ tiệm sách, ông Lê Huỳnh Trí, dường như bất lực vì không thể quản lý nổi dòng người ùn ùn kéo vào mua sách ngày một tăng lên, ông đành đứng ngoài cửa tiệm vừa bán sách vừa giữ xe cho khách.
Cứu sách!
Đa phần khách đều mang giỏ xách, ba lô, trong bối cảnh lộn xộn rất dễ xảy ra tình trạng “hôi sách”. Tuy nhiên, ông chủ tiệm tin rằng chẳng mấy ai nỡ lấy sách của ông. Vì không ít người chỉ mua một số cuốn sách nhưng cố tình trả tiền chẵn và không lấy lại tiền thối. “Rất nhiều người sau khi tìm mua sách xong còn “bo” thêm tiền cho tôi và mong muốn tôi tiếp tục mở tiệm sách mới” - ông Trí nói.
Rồi ông kể, mỗi người tìm đến tiệm sách của ông trong những ngày gần đây là một câu chuyện cảm động. Có rất nhiều người ở xa tận Bình Chánh, Bình Tân, quận 8,… cũng tìm đến mua ủng hộ. “Một phụ nữ lớn tuổi nghe thông tin cũng bắt xe buýt từ Bình Chánh xuống và chỉ mua một số tờ tạp chí cũ. Nhìn cách bà ấy lựa sách tôi biết bà muốn ủng hộ tôi nhiều hơn là đến để mua sách” - ông Trí cảm động. “Nhiều người còn đề nghị bỏ tiền ra để giúp tôi mở mặt bằng khác và tiếp tục duy trì công việc này. Tôi biết họ thật lòng muốn giúp đỡ nhưng tôi không thể nhận” - ông Trí tiếp.
Càng về chiều, người mua đổ về tiệm sách ông Trí càng đông. Không có chỗ để xe và cũng không có người giữ xe, người mua phải đứng bên lề đường. Một chiếc xe cảnh sát trật tự chạy ngang qua và dừng lại làm nhiệm vụ nhưng khi biết ông già bán sách để dẹp tiệm nên cũng không xử phạt, chỉ nhắc nhở người mua để xe gọn vào vỉa hè để không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Ông Trí đang bán sách cũ cho người mua. Ảnh: V.HOA
30 năm đi lùng sách quý
Ở tuổi 66, ông Trí đã có gần nửa cuộc đời gắn bó với sách cũ. Ông mê sách từ khi chỉ là một cậu bé. Thời bao cấp, ông từng làm việc ở một xí nghiệp vật tư, rồi thủ kho xăng dầu. Lúc đó, sau giờ làm việc hoặc ngày nghỉ, ông lại mang sách ra vỉa hè bán. Khi cơ quan lâm vào khó khăn, ông nghỉ việc và tìm xuống Thủ Đức mở một cửa hàng mua bán sách cũ.
30 năm, đã có hàng trăm tấn sách qua tay ông để đến với bạn đọc. Việc đi lùng sách cũ của ông cũng là cả một quá trình vất vả. Ông già sách cũ tâm sự: “Nhiều khi tiệm sách cũ đang bán ế nhưng đi lùng được một cuốn sách quý về tiệm để chờ người đến đọc còn mừng hơn cả việc bán đắt khách”.
Ông Trí chia sẻ, 30 năm trong nghề, tiệm sách của ông đã trở thành kỷ niệm của rất nhiều “mọt sách”. Có những người gắn bó với tiệm sách này từ khi còn bé cho đến bây giờ đã đi làm và có gia đình nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé lại. “Mới đây, một khách hàng từng tới tiệm sách của tôi từ khi còn là một học sinh cấp hai, giờ đã là một trung tá cảnh sát, đi công tác ở Thủ Đức và ghé đến thăm. Cậu đi cùng mấy người bạn, giới thiệu rần rần về chủ tiệm sách và cửa hàng của tôi”.
30 năm bán sách cũ, có những người “nghiện sách” đến mức có bao nhiêu tiền “nướng” hết vào sách. Ông già hào hứng kể về một khách hàng đặc biệt: “Một buổi sáng, thấy cậu nhóc loai choai bước vào cửa tiệm hỏi tỉnh bơ: “Chú có sách triết không?”. Tôi càng bất ngờ khi biết sách triết mà cậu bé muốn tìm không phải là triết học Mác-Lênin sau này mà là từ thời cổ đại Hy Lạp, Đức. Tôi hỏi: “Chú mày học lớp mấy?” để rồi ngạc nhiên khi cậu bé trả lời đang học lớp 9 vì bản thân tôi cùng từng kinh qua đại học, loại sách triết này không hề dễ để đọc chút nào. Đến giờ cậu nhóc ngày xưa đã là giảng viên của một trường đại học, vẫn là khách hàng thân thiết của tôi”.
Chia sẻ về việc phải đóng cửa tiệm sách, ông Trí bùi ngùi tiếc nuối. 30 năm làm cầu nối với những người yêu sách, ông cảm thấy đau khi phải rời xa công việc này. Lý do ông phải giải nghệ vì phải trả gấp mặt bằng mà chưa tìm được mặt bằng mới với giá cả phù hợp. Căn nhà ông thuê để ở tại quận Bình Thạnh thì diện tích quá nhỏ không có chỗ chứa sách.
Trước khi thông tin về cửa hàng sách của ông đóng cửa, có cô gái ở Bình Thạnh tha thiết mong ông tiếp tục mở lại cửa hàng bán sách tại một địa điểm khác. Cô gái ấy sẵn sàng bỏ tiền ra để giúp ông thuê mặt bằng, khi nào có tiền thì trả lại. Sau khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, có hàng trăm người muốn chung tay giúp ông gầy dựng lại. Ông vẫn còn muốn tiếp tục nghề nhưng chưa phải bây giờ vì còn phải chuẩn bị vốn liếng và thời gian để săn tìm đủ sách. “Còn người, còn của, tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với sách. Người đọc sách, tìm sách, yêu quý sách còn rất nhiều. Tôi cũng muốn góp phần duy trì văn hóa đọc trong mỗi người và cũng là để tiếp tục niềm đam mê cả đời mình đã theo đuổi” - ông Trí nói.
Thôi chú cầm đi! Đã hơn 11 giờ khuya, lượng khách đến mua sách đã vãn, một anh công nhân đi làm về còn mặc nguyên đồ bảo hộ lao động dựng chiếc xe máy cà tàng và lặng lẽ vào kiếm sách. Một lúc sau đi ra với duy nhất một cuốn sách mỏng, nhàu nhĩ đã ố vàng. Ông Trí nhìn anh công nhân cười: “Thôi chú cầm đi”! Nhưng anh công nhân móc túi đưa tờ 50.000 đồng và dứt khoát không lấy tiền thừa. Sợ khách ngại, ông chủ tiệm sách ra giá 5.000 đồng. Anh công nhân vẫn tìm cách dúi vào tay ông tờ 50.000 đồng rồi nổ máy xe chạy đi… Ông Trí cho biết từ khi thông tin về tiệm sách của ông đóng cửa, người dân khắp nơi trong TP đã tìm đến gõ cửa tiệm sách từ 6 giờ sáng cho tới hơn 11 giờ khuya. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm bán sách cũ, ông đã tiếp một lượng khách hàng “khủng” đến như thế. |