Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, vào ngày 6-6, một vụ cháy đã xảy ra tại kho chứa xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Theo UBND TP Thủ Đức, bãi xe này thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM quản lý.
Vụ việc này đặt ra các vấn đề pháp lý về chủ thể có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu xe vi phạm bị cháy.
Trách nhiệm bồi thường của PCO8
Trao đổi với PV về vụ việc trên, ThS - luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Theo Điều 9 Nghị định 138/2021 (quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu) thì người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Hiện trường vụ cháy tại kho tang vật và phương tiện của Phòng PC08, Công an TP.HCM. |
Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
“Như vậy, trong vụ việc này, Phòng PC08, Công an TP.HCM có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại (BTTH) cho các chủ xe và một số người liên quan theo nguyên tắc về BTTH của BLDS 2015.
Để có căn cứ yêu cầu BTTH trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án giải quyết theo luật định ” - ThS-LS Bùi Quốc Tuấn nêu quan điểm.
Tuy nhiên theo ông, cũng cần xác định xe vi phạm bị cháy có mua bảo hiểm hay không và mua loại gì để làm rõ thủ tục bồi thường.
Cần xác định loại bảo hiểm chủ xe đã mua
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm đối với xe cơ giới, ThS Huỳnh Thị Nam Hải (giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết: Theo quy định hiện hành, chủ xe cơ giới như ô tô, mô tô hai bánh… phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS).
Theo Điều 5 Nghị định 03/2021 thì phạm vi BTTH khi mua bảo hiểm bắt buộc TNDS gồm: Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.
Ngoài bảo hiểm bắt buộc TNDS, chủ xe cơ giới còn có thể mua thêm bảo hiểm vật chất xe. Đây là hình thức bảo hiểm tự nguyện và sẽ bồi thường cho chủ xe cơ giới trong một số trường hợp như xe bị va chạm gây hư hỏng, mất cắp…
Trong trường hợp xảy ra sự kiện được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) sẽ bồi thường cho bên được bảo hiểm (chủ xe cơ giới) theo hợp đồng và có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà DNBH đã bồi thường do người thứ ba gây ra theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Cạnh đó, khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng quy định: Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và DNBH đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho DNBH.
“Như vậy, theo các quy định hiện hành thì quyền yêu cầu bồi thường của người được bảo hiểm (chủ xe cơ giới) được chuyển cho DNBH để tiến hành yêu cầu người thứ ba có lỗi trong việc gây ra thiệt hại bồi hoàn sau khi DNBH đã thanh toán cho người được bảo hiểm” - ThS Nam Hải nói.
Cũng theo ThS Nam Hải, trong vụ cháy bãi giữ xe vi phạm thuộc Phòng PC08, Công an TP.HCM quản lý, nếu chủ xe cơ giới có mua bảo hiểm xe thì cần phân biệt đó là bảo hiểm bắt buộc hay bảo hiểm tự nguyện.
Trường hợp chủ xe cơ giới chỉ mua bảo hiểm bắt buộc TNDS thì không ảnh hưởng gì đến trách nhiệm BTTH của người gây thiệt hại (người có trách nhiệm trực tiếp quản lý xe hoặc người có lỗi gây ra đám cháy). Bởi lẽ đối với loại bảo hiểm này, DNBH chỉ BTTH cho bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
Điều này có nghĩa là Phòng PC08, Công an TP.HCM (hoặc người gây ra đám cháy) sẽ trực tiếp BTTH cho các chủ xe trong trường hợp này.
Còn đối với trường hợp chủ xe có mua thêm bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm tự nguyện) thì chủ xe yêu cầu DNBH bồi thường cho mình. Sau khi DNBH đã trả tiền bồi thường cho chủ xe, DNBH sẽ có quyền yêu cầu Phòng PC08 (hoặc người có lỗi gây ra đám cháy) bồi hoàn cho mình khoản tiền đã bồi thường trước đó.
“Trường hợp thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng thì DNBH là đơn vị phải bồi thường cho chủ xe cơ giới. DNBH không có quyền yêu cầu người có trách nhiệm trực tiếp quản lý xe bồi hoàn do người này không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nên được miễn trừ trách nhiệm BTTH” - ThS Nam Hải lưu ý thêm.
Như vậy, trong vụ cháy bãi giữ xe vi phạm hành chính, để xác định chính xác ai là người có trách nhiệm trực tiếp bồi thường thì phải căn cứ vào việc chủ xe có mua bảo hiểm xe hay không, mua loại nào và nguyên nhân gây ra vụ cháy.
Bước đầu xác định có 2.244 xe máy và 10 ô tô
Đến chiều 7-6, Công an TP Thủ Đức cho biết vẫn đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Bước đầu, lực lượng chức năng xác định khi vụ cháy xảy ra có 2.244 xe máy, 10 ô tô bên trong. Hiện các đơn vị liên quan vẫn đang thống kê thiệt hại và những con số cụ thể.
Trước đó, sau khi nhận thông tin về vụ cháy, Công an TP.HCM đã điều động 21 xe, 126 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng PCCC Công an TP Thủ Đức, Bình Thạnh, KV1 và KV2 để tiến hành dập tắt đám cháy.
Diện tích khu vực xảy ra cháy khoảng 1.100 m2, không có thiệt hại về người.
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, vụ cháy đã gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, nhiều người dân quanh khu vực cũng được di dời. Trong đó, một trường mầm non có khoảng 300 học sinh đã được thầy cô gọi phụ huynh đến đón về khẩn cấp. TỰ SANG