Sáng 12-4, trường Đại học GTVT TP.HCM cùng nhóm nghiên cứu Xây dựng và Môi trường trong Phát triển bền vững (CESD) tổ chức tọa đàm chuyên đề "An toàn cháy nổ công nghiệp".
Cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp
Trong khuôn khổ tọa đàm, PGS.TS Phạm Thị Anh - Đại diện Nhóm nghiên cứu CESD chia sẻ: "Tọa đàm với chuyên đề An toàn cháy nổ công nghiệp là một sự kiện quan trọng, ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của nhà trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực liên quan đến quản lý an toàn và môi trường.
Công tác phòng chống cháy nổ trong công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhất là trong bối cảnh cháy nổ tiềm ẩn trong các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, cháy nổ trong bối cảnh hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít cá nhân, tổ chức lưu tâm đến vấn đề này. Đơn cử thời gian gần đây, vụ nổ nhà máy ở Tây Ninh vào ngày 5-4 gây hậu quả nghiêm trọng, khiến 3 người tử vong".
PGS.TS Phạm Thị Anh cho biết thêm, thông qua tọa đàm, trường Đại học GTVT muốn chia sẻ, cung cấp thông tin về phòng chống cháy nổ. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành quản lý An toàn và môi trường; Khuyến khích sinh viên nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sáng tạo cho công tác an toàn cháy nổ trong môi trường công nghiệp; Tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn cháy nổ.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, TS. Nguyễn Thành Trung (Nhóm nghiên cứu CESD) có nhiều chia sẻ về vấn đề cháy nổ, nguyên lý nổ bụi trong công nghiệp.
Theo ông Trung, cháy và nổ là 2 khái niệm khác nhau, khi xảy ra cháy, chúng ta có thời gian để xử lý, ứng phó, thoát thân. Tuy nhiên, nổ là một trường hợp bất ngờ, không thể ứng phó. Tuy vậy, cháy nổ trong bối cảnh hiện nay đều diễn tiến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
"Những năm qua, cả nước diễn ra hàng ngàn vụ cháy, hàng chục vụ nổ. Nếu một vụ cháy gây thiệt hại 1 tỉ đồng, thì một vụ nổ có thể gây thiệt hại nhiều hơn hàng chục lần" - ông Trung cho biết.
Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát biểu trong tọa đàm, ông Nguyễn Khánh Long - Phó Cục trưởng cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, nhận định thời gian qua, cả nước đã chứng kiến nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra. Trong số đó, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lớn như nổ mỏ than ở Quảng Ninh.
"Điều đó thể hiện, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vì vậy công tác an toàn lao động nên đặc biệt được chú trọng, đặt lên hàng đầu. Việc trao đổi, bàn luận về phòng chống cháy nổ là việc hết sức quan trọng. Có thể nói, an toàn lao động nói chung là một lĩnh vực rộng lớn, có vô vàn vấn đề nảy sinh trong đó" - ông Long nhận định.
Ông Long cũng chia sẻ thêm, hiện công tác an toàn vệ sinh lao động càng ngày càng được xã hội quan tâm, chú trọng.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ công tác an toàn vệ sinh lao động ngày càng tăng, về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, các doanh nghiệp lớn yêu cầu rất cao về chất lượng nguồn nhân lực an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của cán bộ an toàn vệ sinh lao động cũng khắt khe, đòi hỏi lao động phải đáp ứng được nhiều kỹ năng, yêu cầu của nghề. Với xu thế này, các trường Đại học hiện nay trên cả nước cần chú trọng nhiều hơn về ngành này.
Có thể nói, nội dung về an toàn phòng cháy chữa cháy ở Việt Nam đã ban hành một số quy chuẩn về an toàn, tuy nhiên đây cũng còn là một vấn đề mới cần sự quan tâm, góp sức của các ban ngành, các chủ nhân tương lai của đất nước. Theo đó, hiện các bộ, ngành cùng các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này.
Khoa học công nghệ biến đổi không ngừng, nguy cơ trong lĩnh vực cháy nổ ngày càng phức tạp hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất,...hãy cùng chung tay, trao đổi nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn. Qua đó cung cấp thông tin đến cộng đồng để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy nổ trong cuộc sống, góp phần quản lý xã hội tốt hơn
Ông Nguyễn Khánh Long - Phó Cục trưởng cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH