Cháy nổ trong phim: Ít tiền đành chịu hiểm nguy?

Trong điện ảnh, cháy nổ luôn được xếp vào mảng hiệu ứng đặc biệt; bởi đây là hiệu ứng hao tiền, hao của và khá hiểm nguy. Ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, các chất liệu tạo hiệu ứng cháy nổ trong phim thường là các loại hóa chất đặc biệt chứ không dùng thuốc nổ thật. Nhưng với nền điện ảnh còn manh mún như Việt Nam thì có vẻ tính hiểm nguy ít quan trọng bằng việc thực hiện phương án cháy nổ sao cho rẻ tiền nhất.

Đạo diễn Tường Phương kể: “Ngày xưa, về nguyên tắc chất gây nổ trong phim là TNT. Khi anh Minh Phương hợp tác với tôi, anh ấy đã đề nghị một loại hóa chất khác cho ánh sáng đẹp hơn mà không nguy hiểm và không phải TNT, nghĩa là từ đầu anh Phương là người cẩn trọng và muốn bỏ TNT.

Phim Người Mỹ trầm lặng (Mỹ) thực hiện cảnh cháy nổ xe trước Nhà hát TP.HCM bằng gas. Ảnh: TL

Nhiều người hỏi tôi chuyện cảnh tỉnh sau khi anh Phương mất. Bây giờ cảnh tỉnh gì nữa? Lâu nay anh em canh cánh bên lòng và đã tỉnh lâu rồi. Nhưng có hai vấn đề “bó” điện ảnh nói chung là trình độ hiểu biết về hóa chất và tiền bạc. Hóa chất gây nổ đắt gấp mấy chục lần TNT, giờ cảnh tỉnh cách nào? Cũng một số ý kiến cần một người hiểu biết cháy nổ. Ý kiến nào cũng đúng nhưng thật sự không yêu nghề chẳng ai chịu làm chuyện hiểm nguy!

Hoặc tại sao không nhờ quân đội, công an? Như phim Đất mặn của tôi, tôi được một số bạn bè trong quân đội ở Bến Tre hỗ trợ súng để quay. Nhưng đây chỉ là niềm tin giữa tôi và các bạn đó chứ danh chính ngôn thuận làm sao có đơn vị quân đội nào cung cấp dịch vụ cháy nổ cho phim? Và nếu quân đội giúp về cảnh cháy nổ thì họ vẫn dùng TNT… Thế nên tỉnh ra thì ai cũng muốn tìm cách nhưng quả thật là rối!”.

Theo đạo diễn Lê Bảo Trung, “trong phim Người Mỹ trầm lặng, ở cảnh nổ trước Nhà hát TP.HCM, lúc đó người ta sử dụng gas để gây nổ một chiếc xe, tức đặt hệ thống gas trong xe. Hệ thống gas đó có ống thổi. Trước khi ống ấy thổi capô xe, cửa xe, nóc xe… bay thì những capô, cửa xe, nóc xe… này đã được cắt thành từng mảnh nhỏ và cột dây cáp đến vị trí những mảnh này sẽ rơi. Khi quay, người ta thổi định vị những cửa xe, nóc xe… đó và từ dây cáp những mảnh vỡ này sẽ bay đến vị trí mong muốn. Sau cảnh thật đó, đoàn làm phim dùng kỹ xảo tạo hình bằng máy tính (CGI - Computer generated imagery) vẽ thêm những mảnh vụn, miểng, tia lửa… Đây là kỹ thuật đòi hỏi cao về kinh phí lẫn trình độ. Vì thế, so với TNT thì kỹ xảo tốn kém hơn từ 10 đến 20 lần.

Bản thân tôi tự thấy những cảnh nổ thật bằng TNT rất nguy hiểm nên chấp nhận kinh phí cao để dùng nổ kỹ xảo. Các phim truyền hình Gọi yêu thương, phim điện ảnh Gia sư nữ quái và sắp tới phim điện ảnh Biết chết liềncó những cảnh nổ lửa lớn hoàn toàn bằng kỹ xảo.

Sau sự việc này, tôi thấy thương cho ngành điện ảnh. Ở nước ngoài, người ta không chỉ có tiền để có hóa chất thay thế mà người ta còn có nghiên cứu, đào tạo hẳn hoi cho chuyên gia cháy nổ. Sự chính xác cháy nổ trong phim gần như tuyệt đối. Còn ở Việt Nam, tôi thương cho những người làm điện ảnh không có trường đào tạo nào hết về tất cả các hiệu ứng đặc biệt từ đâm chém, phun máu, phun lửa… tất cả đều theo kiểu nghề dạy nghề, từ kinh nghiệm mà ra.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới