Chạy nước rút cho HS thi THPT quốc gia trên máy tính

Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cho biết năm 2020 kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2019. Còn giai đoạn từ năm 2021-2025 là kết hợp thi THPT trên giấy và máy tính nhưng tăng dần thi trên máy ở những nơi có điều kiện theo từng năm với sự chuẩn bị kỹ.

Tạo cơ hội để học sinh cọ xát

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính. Điều đó chứng tỏ sự hội nhập quốc tế cũng như sự ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên thời đại 4.0.

Theo ông Phú, để học sinh có thể tiếp cận với phương thức thi mới, trong thời gian qua nhà trường đã tổ chức hoạt động hướng nghiệp online, làm một số bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy và trên smartphone. “Đây là lộ trình để các em có cơ hội làm quen và tạo tâm thế sẵn sàng khi bước vào kỳ thi trên máy tính như bộ đưa ra” - ông Phú nói.

Cách đây một năm, Trường THPT Nguyễn Du đã đầu tư tin học Mos cho 70 giáo viên. 30 giáo viên còn lại sẽ tiếp tục được học trong học kỳ II. Sắp tới, trường sẽ tập huấn cho đội ngũ giáo viên toàn trường về việc sử dụng phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính.

“Việc thi THPT trên máy tính sẽ thuận lợi ở những TP lớn như TP.HCM nhưng tôi nghĩ ngay bây giờ các ban, ngành cũng nên đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường ở vùng sâu vùng xa để các em có điều kiện tiếp cận, tạo sự công bằng, nâng tầm công nghệ ở những nơi đang rất cần cho sự hội nhập 4.0” - ông Phú nhấn mạnh.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho hay việc kiểm tra trên máy đã được thực hiện từ lâu tại một số bộ môn khoa học tự nhiên. Thậm chí nhà trường còn sử dụng phần mềm để các em có thể làm trắc nghiệm trên điện thoại di động. “Đối với các bộ môn xã hội chưa được thực hiện. Cho nên theo phương án của bộ, chúng tôi rất háo hức để có thể triển khai” - thầy Du nói.

Ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trường Trường THPT Lý Thường Kiệt, tỉnh Bình Thuận, cho hay hiện nay học sinh đã làm quen với việc tham gia các kỳ thi khảo sát năng lực do các trường đại học tổ chức. Bên cạnh đó, tại trường, các em cũng được tham gia các cuộc thi tin học trực tuyến, bài thi khảo sát trên máy cho nên thi THPT quốc gia trên máy tính sẽ không gây khó. Hơn nữa, việc tổ chức nhiều đợt thi trong năm là hướng mở để các em có quyền chọn lựa và đem lại nhiều cơ hội trúng tuyển.

Còn theo thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho biết có rất nhiều bài toán đặt ra cho Bộ GD&ĐT khi tổ chức thi THPT trên máy tính như điều kiện cơ sở vật chất cũng như hệ thống ngân hàng câu hỏi như thế nào để đáp ứng kỳ thi. “Thiết nghĩ bộ nên tham khảo cách tổ chức thi của các đơn vị cấp chứng chỉ quốc tế, cho biết kết quả ngay sau khi thi, có tính bảo mật về đề thi” - thầy Chính nói.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du thực hiện bài khảo sát hướng nghiệp trên máy tính. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sẽ thí điểm tại một số nơi có điều kiện

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay dù có nhiều ưu điểm nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn có những hạn chế về mặt kỹ thuật, đặc biệt vụ gian lận thi cử diễn ra ở năm 2018 đã được khắc phục triệt để trong năm 2019. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi cử đang ở mức độ vừa phải nên sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường đại học vào kỳ thi lớn đã tạo sự nặng nề cho kỳ thi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bộ GD&ĐT tính toán thay đổi kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Không gây sốc cho thí sinh

Thi trên máy tính phải tuân thủ nguyên tắc không gây sốc cho thí sinh, hoàn toàn mang tính khả thi. Vì thế, những nơi nào thuận lợi sẽ thực hiện trước, còn những chỗ nào chưa thi được trên máy sẽ thi trên giấy theo nguyên tắc giảm dần việc thi trên giấy và mở rộng việc thi trên máy tính trên quan điểm phù hợp và công bằng cho tất cả thí sinh.

Ông MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT 

Cũng theo ông Trinh, giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục duy trì tổ chức thi trên giấy như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm thi trên máy tính tại những nơi có điều kiện.

“Tính khả thi của phương thức này đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập niên trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập như ETS, ACT. Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của một số trường đại học. Hơn nữa, ngay tại bậc THPT, các em cũng đã làm quen với kiểm tra trên máy” - ông Trinh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: Về thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập; kết quả nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng tuyển sinh.

Cũng theo ông Trinh, để thực hiện tốt phương án trên cần năm nhóm điều kiện cơ bản. Thứ nhất, hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú. Thứ hai, sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, thiết bị giám sát cho kỳ thi. Thứ ba, hệ thống quy chế, hướng dẫn cho phương thức thi. Thứ tư, công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, cán bộ phục vụ kỳ thi. Và cuối cùng, chuẩn bị tâm thế, kỹ năng cho học sinh.

Các bài thi tổ hợp tự chọn có sự thay đổi

Giai đoạn 2021-2025, kỳ thi không xáo trộn so với năm 2019 nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế. Các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình.

Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới