Cháy rừng Hawaii: Nhà chức trách lý giải tại sao không bấm còi báo động

(PLO)- Vụ cháy rừng "như tận thế" ở đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ) để lại lời cảnh báo quan trọng trong công tác ứng phó thảm họa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cháy rừng ở đảo Maui, quần đảo Hawaii (Mỹ) bùng phát vào ngày 8-8. Tính đến ngày 21-8, 114 người đã thiệt mạng.

Trước đó, tối 20-8, Thị trưởng Maui - ông Richard T. Bissen Jr. cho biết trong số hơn 2.000 người mất liên lạc sau đám cháy, nhà chức trách đã xác định được vị trí của hơn 1.200 người và xác nhận họ vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhà chức trách đảo Maui vẫn chưa xác định được vị trí của hơn 800 người còn lại, theo tờ The Wall Street Journal.

Ngày 21-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hawaii để xem xét tình hình cháy rừng. Tại Trung tâm hành chính thị trấn Lahaina, đảo Maui, ông Biden cam kết rằng “cả đất nước luôn ở đây vì các bạn”. Ông khẳng định chính phủ sẽ không chỉ “hoàn thành công việc” mà còn “hoàn thành công việc theo cách bạn muốn” để khắc phục hậu quả cháy rừng.

Hậu quả cháy rừng ở thị trấn Lahaina, đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hậu quả cháy rừng ở thị trấn Lahaina, đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cháy rừng ở Hawaii không phải là sự kiện bất ngờ nhưng điều làm người giật mình là hậu quả nó để lại. Nhiều người cho rằng đảo Maui có thể không phải chịu tình cảnh như hiện tại nếu các cảnh báo về cháy rừng được quan tâm kỹ hơn và nếu chính quyền hành động quyết liệt hơn.

Lời cảnh báo rõ ràng

Trong nhiều năm liền, các chuyên gia cháy rừng đã cảnh báo về việc một đám cháy lớn có thể bùng phát ở những cánh rừng tại Hawaii. Với thảm thực vật dày và gió mạnh thường xuyên xảy ra, các chuyên gia cho rằng cháy rừng nếu xảy ra sẽ rất dữ dội.

Người dân nơi đây cũng nhận thức được nguy cơ này nên cũng nâng cao tinh thần đề phòng cháy rừng, nhất là khi mỗi mùa gió mạnh về. Và hơn ai hết, các quan chức địa phương biết nguy cơ cháy rừng ở Hawaii là rất lớn nên họ đã đưa ra hết kế hoạch này đến kế hoạch khác để ngừa cháy rừng bùng phát.

Tuy nhiên, khi cháy rừng thực sự xảy ra, các hệ thống báo động, hướng dẫn người dân đến nơi an toàn bị tê liệt. Không chỉ vậy, lửa gây mất điện, mất sóng điện thoại khiến người dân tại thị trấn Lahaina, đảo Maui không thể liên lạc với bên ngoài.

Tệ hơn nữa, hai con đường chính, cũng là lối thoát hiểm, không thể sử dụng được vì đường dây điện bị đứt. Cùng vì điều này mà nhiều người không thể ra khỏi thị trấn, thậm chí chết cháy trong ô tô. Trong khi đó, vòi cứu hoả gần như cạn nước.

Cảnh báo về việc cháy rừng có thể xảy ra thì đã rất rõ ràng. Nhưng dường như Hawaii không sẵn sàng để ứng phó với cháy rừng khi nó thành hiện thực.

Thị trấn Lahaina đã thất bại nặng nề trước cháy rừng. Sau khi những ngọn lửa tử thần được dập tắt, nhiều người cho rằng nếu các biện pháp sơ tán được thực hiện quyết liệt hơn thì có thể đã cứu sống được nhiều người hơn.

Thị trưởng Bissen đã phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ người dân và giới truyền thông về cách phản ứng của chính quyền. Trong khi đó, giám đốc quản lý tình trạng khẩn cấp của Maui thì đã từ chức vào tuần trước.

“Tôi nghĩ chúng tôi luôn có thể làm được nhiều hơn thế. Có rất nhiều thứ để làm, nhưng tôi nghĩ điều đúng đắn cần làm bây giờ là chúng tôi hợp tác với các cơ quan điều tra” - ông Bissen nói trong cuộc họp báo hôm 18-8.

Một cột gắn còi báo động trên đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một cột gắn còi báo động trên đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bà Elizabeth Pickett - đồng giám đốc điều hành của Tổ chức phi lợi nhuận Quản lý cháy rừng Hawaii - cho rằng trong vụ cháy rừng tại Maui vừa qua, mọi người không nên đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền.

Bà Pickett cho rằng nguy cơ cháy rừng ở Hawaii ngày càng tăng là do thiếu đầu tư vào các sở cứu hỏa và công tác phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, thiếu các lối tiếp cận chữa cháy cho lính cứu hỏa, thiếu nhân lực chữa cháy và cỏ khô dày đặc cũng góp phần gây nên hậu quả nghiêm trọng trong vụ cháy rừng vừa qua.

Rủi ro hiển hiện khắp nơi

Bên trong thị trấn Lahaina, hậu quả cháy rừng hiện lên rõ ràng. Tại đây, các đống tro tàn nằm khắp nơi, từ các sườn đồi, cắt ngang qua các khu dân cư, khu thương mại và kéo dài đến tận bờ biển. Những con thuyền đang neo ngoài bờ biển cũng bị cháy. Việc tái thiết lại thị trấn Lahaina dự kiến tiêu tốn hơn 5 tỉ USD.

Một số cư dân trên đảo nhận được tin nhắn báo cháy rừng nhưng một số khác thì không có. Trên hành trình thoát thân, nhiều người không biết phải chạy hướng nào vì khói mù dày đặc.

Sau vụ hỏa hoạn, một trong những câu hỏi lớn là tại sao chính quyền địa phương không kích hoạt hệ thống còi báo động thường được sử dụng để cảnh báo sóng thần.

Việc kích hoạt còi báo động là rất quan trọng vì rất nhiều người không có điện thoại di động để nhận cảnh báo. Ngay cả trước khi ngọn lửa bùng phát, nhiều người dân xung quanh Lahaina cho biết họ đã không thể gọi điện hoặc sử dụng điện thoại vì gió dữ dội và mất điện.

Trước khi từ chức giám đốc cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của quận Maui, ông Herman Andaya đã lý giải về việc không bấm còi báo động sóng thần. Ông cho rằng làm vậy có thể khiến người dân nghĩ rằng có sóng thần thật rồi chạy sâu vào trong đảo và lao vào đám cháy.

Lính cứu hỏa làm việc trên đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính cứu hỏa làm việc trên đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tuy nhiên, theo The New York Times, hệ thống cảnh báo của Hawaii có chức năng cảnh báo người dân về nhiều mối nguy hiểm, bao gồm sóng thần, lũ lụt, cháy rừng và các mối đe dọa khủng bố.

“Tôi tin rằng nó được gọi là hệ thống cảnh báo mọi nguy cơ. Nó giúp bạn chú ý rằng có điều gì đó đang diễn ra và hãy xem TV hoặc nghe đài phát thanh. Từ đó, nó giúp bạn tìm ra cách phản ứng” - theo ông Josh Stanbro, cựu nhân viên phụ trách phục hồi sau thảm họa ở Hawaii.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Kimiko Barrett - nhà phân tích nghiên cứu và chính sách chuyên về rủi ro cháy rừng - cho rằng điều quan trọng là mọi người cần nhận thấy rủi ro hiện có khắp nơi. Bà Barrett cho rằng chúng ta cần suy nghĩ thật thấu đáo và thận trọng về các biện pháp bảo vệ ngôi nhà, cộng đồng của mình và cách chuẩn bị cho các nguy cơ cháy rừng trước khi chúng trở thành thảm họa.

Tại Úc - nơi thường xuyên xảy ra cháy rừng, chính phủ đã mở rộng hệ thống cảnh báo nhằm mục đích giúp người dân sơ tán dễ dàng hơn.

Một số tiểu bang ở Úc cũng đã phát triển các ứng dụng khẩn cấp tại địa phương. Các ứng dụng này giúp mọi người theo dõi mối nguy hiểm sớm và xác định vị trí của người dùng trong trường hợp xảy ra thảm họa. Ngoài ra, nhiều đội cứu hỏa tình nguyện và đội ứng phó khẩn cấp cũng được lập nên để có thể hỗ trợ chính quyền ứng phó thảm họa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải trang bị nhiều hơn nữa.

“Mọi người thường nghĩ rằng sẽ có ai đó bảo vệ tôi. Nhưng chúng tôi biết với biến đổi khí hậu, vào những ngày tồi tệ nhất, không thế lực nào trên Trái Đất có thể đánh bại được Mẹ Thiên nhiên” - theo ông Greg Mullins, người đã có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý hỏa hoạn ở Úc.

Do đó, trang bị kiến thức, các kỹ năng cần thiết, bình tĩnh ứng phó trong tình huống khẩn cấp là yếu tố sống còn giúp bảo vệ mọi người khi thảm họa xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm