Theo đó, ý kiến các sở, ngành và quận, huyện đều thống nhất cho rằng chính sách đối với người làm việc không chuyên trách ở phường, xã hiện còn rất nhiều bất cập cần sửa đổi. Cụ thể, theo Nghị định 92/2009 thì những người này chỉ được hưởng phụ cấp hằng tháng không quá một lần lương tối thiểu chung (hiện nay là 830.000 đồng), không thuộc đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Những người làm việc không chuyên trách ở phường, xã nói là bán chuyên trách nhưng họ cũng làm toàn thời gian như công chức phường, xã, thậm chí có khi phải làm thêm mới hết việc. Tuy nhiên, chế độ chính sách dành cho họ thì lại quá thấp nên không thu hút được người có năng lực về làm, nếu có về thì cũng không giữ chân được họ. Ví dụ, hai người cùng tốt nghiệp một trường ĐH ra mà người là công chức thì được hưởng lương bắt đầu từ 2.34 và tăng dần theo quy định, còn người làm không chuyên trách thì chỉ hưởng phụ cấp với hệ số 1.0 mà lại không được nâng mức phụ cấp theo định kỳ. Rõ ràng chế độ như vậy thì họ - người làm việc không chuyên trách ở phường, xã không thể an tâm được” - ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, phân tích.
Ngoài ra, còn một vướng mắc khác mà TP cũng kiến nghị trung ương cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn mới. Bà Đoàn Thị Lành (Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ) cho biết: Những cán bộ, công chức có quá trình công tác ở phường, xã nhưng đã chuyển về cấp huyện trở lên từ trước ngày 1-1-1998 thì không được tính thời gian công tác liên tục để hưởng bảo hiểm xã hội (trừ một số chức danh). Quy định này nằm trong Thông tư 13 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ LĐ-TB&XH) ban hành từ năm 1972. “Thông tư này đã hết hiệu lực nhưng bảo hiểm xã hội VN cho rằng hiện không có hướng dẫn nào về vấn đề này nên phải áp dụng theo thông tư đó” - bà Lành cho hay.
N.NAM