Tuy nhiên, trước sự phân tích của cả ba thẩm phán trong HĐXX phúc thẩm, họ đã có thể đưa ra những thỏa thuận tốt đẹp trong việc chăm lo cho con, dù mỗi người ngày mai sẽ đi một con đường riêng.
Tình trạng mâu thuẫn vợ chồng giữa anh H. và chị N. đã trầm trọng. Dù đã được hòa giải nhưng hai bên vẫn liên tục mâu thuẫn nên TAND quận 7
(TP.HCM) chấp nhận cho cả hai ly hôn. Tòa quyết giao con trai chung của cả hai cho anh H. nuôi dưỡng. Theo tòa, việc chị N. - bị đơn - yêu cầu nuôi con và đưa đứa trẻ về nhà mới là thay đổi nơi sống và môi trường học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng về phát triển tâm lý và sức khỏe cháu bé. Đồng thời, việc chị N. - giảng viên một trường đại học - hay đi dạy đêm và đi dạy thỉnh giảng ở các tỉnh cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc, sinh hoạt của con.
Sau đó, chị N. kháng cáo giành quyền nuôi con. Chị trình bày mình có nhà riêng, có mức thu nhập 21 triệu đồng/tháng. Thời gian trước có hay đi dạy tỉnh, nay chị đã xin phép và được trường chấp nhận bố trí lịch giảng dạy hệ chính quy ban ngày tại TP.HCM để tiện chăm sóc con. Chị là giảng viên, làm trong môi trường giáo dục sẽ thuận lợi trong việc nuôi dạy trẻ. Đồng thời, chị có sự hỗ trợ của mẹ và em gái trong việc chăm con. “Dù anh H. cũng có những điều kiện tốt để nuôi con nhưng do trẻ mới năm tuổi, sinh non nên cần sự chăm sóc của mẹ hơn. Hơn nữa, bà nội cháu đã 73 tuổi nên việc hỗ trợ chăm sóc cháu không thể bằng người mẹ” - chị N. phân tích...
Tại phiên phúc thẩm, ban đầu cả hai không thỏa thuận được việc chăm sóc con. Anh nói mình dành nhiều thời gian cho con hơn chị, anh đã quen với việc chăm sóc con: Cho con tắm, cho con ăn, chơi với con... Anh là kỹ sư tin học, thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng và có sự hỗ trợ của mẹ trong việc chăm con...
Tuy nhiên, qua sự thuyết phục của tòa, hai vợ chồng đi đến thống nhất giao con cho chị N. chăm sóc, anh cấp dưỡng mỗi tháng 4 triệu đồng. Phán quyết của tòa chỉ đơn giản qua sự thỏa thuận đồng tình từ hai phía. Nhưng để đi đến phán quyết trên, tòa đã phải hết lời, chân tình để khuyên giải các bên khi cả hai đều muốn mang đến những điều tốt nhất cho trẻ.
Cụ thể, anh H. yêu cầu 8 giờ tối thứ Sáu được đón con về chơi đến 8 giờ tối Chủ nhật. Vì điều đó sẽ duy trì cho con môi trường sinh hoạt cũ không quá xáo trộn: Con vẫn chơi với bạn bè cùng lứa nơi ở cũ, vẫn gần bà nội. Và do ở phía nhà mẹ toàn phụ nữ nên anh cũng lo lắng sự phát triển giới tính của con. Đặc biệt, ngày tết cổ truyền, ngày 30 và ngày mùng 1 cháu được ở nhà anh để gần gũi dòng họ. Anh vẫn chu toàn mọi chi phí học cho con từ học chính thức tại trường đến ngoại khóa...
Trước yêu cầu của anh cùng sự thuyết phục của tòa, chị đồng tình và nói thêm, rằng thời gian hè và lễ hội thì chia đôi thời gian để con được ở bên cha, bên mẹ. Tuy nhiên, chị cũng mong ngày tết năm nay con ở nhà nội, năm khác con phải ở nhà ngoại, bởi chị biết dòng họ nội rất đông và đoàn kết nhưng ngoài việc biết họ nội, con cũng cần gần ngoại...
Anh và chị đòi tòa ghi nhận từng chi tiết trong bản án hay một biên bản thỏa thuận riêng do tòa chứng kiến. Tòa phân tích: “Tòa cảm ơn những điều tốt đẹp anh chị dành cho con, các thỏa thuận đều được ghi nhận trong biên bản phiên tòa. Tuy nhiên, không có tòa án nào bằng chính tòa án lương tâm. Ai cũng thương con và hội đồng ngồi đây hòa giải cũng vì hạnh phúc của trẻ. Trẻ phát triển ngoan, khỏe, tốt hay không chính do cách cư xử của anh chị, không cần phải quy định chi tiết can thiệp quá máy móc...”.
HOÀNG YẾN