Chém gió tiền ảo: ‘Kiếm 1 tỉ dễ như chơi’

Chỉ trong vài tuần trở lại đây tại TP.HCM đã diễn ra hàng chục hội thảo nhằm lôi kéo mọi người bỏ tiền thật mua tiền ảo để trở thành “triệu phú, tỉ phú”. Chẳng hạn, riêng ngày 3-12 đã diễn ra đến ba cuộc hội thảo về loại tiền này, thu hút hàng ngàn người tham dự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số người tham gia đầu tư tiền ảo đang tăng rất nhanh.

“Mỗi tháng kiếm 1 tỉ đồng”

Tại một số cuộc hội thảo vừa diễn ra, ông Simon (người Việt), được giới thiệu là “thủ lĩnh của onecoin tại Việt Nam” đã dẫn chứng về bản thân mình nhằm thuyết phục mọi người đầu tư vào tiền ảo. Ông kể ban đầu mình cũng nghĩ chỉ là tiền ảo (không phải là tiền thật) nên không tham gia.

Tuy nhiên, sau đó ông đã bị thuyết phục bởi đồng tiền này nên từ vị trí trợ lý tổng giám đốc một công ty bất động sản ở tỉnh Bình Dương, ông đã quyết định nghỉ việc để tham gia đầu tư vào đồng tiền ảo onecoin.

Trong phần diễn thuyết của mình, ông Simon còn mời những người được ông giới thiệu là “thành công” nhờ đầu tư vào onecoin lên chia sẻ kinh nghiệm làm giàu. Hình thức này cũng giống như bao buổi hội thảo đa cấp vẫn làm. Lập tức một chị nhà ở TP.HCM cho biết mỗi tháng chị thu về 50 triệu đồng tiền lời từ onecoin. “Bây giờ tôi vui thì đi chia sẻ cơ hội làm ăn nhờ kinh doanh đồng tiền này cho mọi người, buồn thì đi du lịch” - chị này nói.

“Khủng khiếp” hơn, một khách hàng năm nay ngoài 50 tuổi còn cho hay mình không chỉ bỏ tiền thật đầu tư vào tiền ảo mà còn tham gia vào xây dựng mạng lưới các cấp của mình.

“Tôi đã có những mạng lưới chủ chốt ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Giang… khá mạnh. Tới nay tôi đã có 17 tài khoản lớn nhỏ, trong đó có năm mã Vip1 hay còn gọi là “mẹ bồng con” với số tiền 521 triệu đồng/mã. Nhờ thế không cần làm gì cả, chỉ bán onecoin thôi mỗi tháng tôi cũng thu nhập bình quân từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng” - chị này khoe.

Một số thành viên khác cũng khoe chỉ cần bỏ tiền thật vào tiền ảo là có “siêu lợi nhuận mà chả cần phải làm gì”.


Một người được giới thiệu là “chuyên gia tiền ảo” đang diễn thuyết tại buổi hội thảo về onecoin. Ảnh: YÊN TRANG

“Cả thế giới… sôi sục”

Tại một số hội thảo khác, một diễn giả được cho là một Việt kiều Mỹ tên Lê Quốc Hưng cho biết nếu cách đây sáu, bảy năm mua 20 triệu tiền ảo onecoin thì đến nay đồng tiền này đã tăng lên vài trăm lần, “nghĩa là bạn sẽ có vài chục tỉ đồng”.

Diễn giả này còn giới thiệu mình đã đi nhiều nơi trên nước Mỹ, gặp nhiều người đã dùng đồng tiền này để mua xe hơi. “Hiện nay có gói tham gia lớn nhất 1,8 tỉ đồng, gọi vui là gói “ông bồng cháu đích tôn”. Gói này đang khiến cả thế giới sôi sục” - vị này kêu gọi.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Khôi được giới thiệu là một “chuyên gia tư vấn” về công nghệ onecoin thì cho biết: “Việt Nam sẽ sớm cấp giấy phép giao dịch cho tiền ảo”.

Tuy nhiên, chúng tôi không thấy những người được giới thiệu là “chuyên gia tiền ảo”, các nhà đầu tư đề cập đến sự kiện vào năm 2014 vụ sập sàn tiền ảo bitcoin đình đám Mt.Gox tại Nhật với giá trị quy đổi tương đương hơn 400 triệu USD khiến cả thị trường chao đảo, nhiều người lao đao. Còn tại Hong Kong, sàn Mycoin đã ngừng hoạt động mang theo khoảng 380 triệu USD gây khốn khó cho nhiều nhà đầu tư tham gia.

Mặt khác, theo các chuyên gia, nếu thực sự tiền ảo đem lại lợi nhuận cao thì giới tài chính đã không quay lưng lại với tiền này.

Giống bán hàng đa cấp

TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng hình thức kinh doanh tiền ảo cũng gần giống như mô hình kinh doanh đa cấp. Hầu hết công ty kinh doanh đa cấp đều kinh doanh các sản phẩm hữu hình.

“Với kinh doanh tiền ảo, nếu càng nhiều người tham gia thì giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao. Chính điều này tạo sự khan hiếm vì số lượng tiền ảo được tạo ra là có hạn. Và tiền lời mà những người này nói rằng được hưởng chẳng qua là từ việc bán được cho người đến sau với giá cao hơn” - TS Minh phân tích.

Hơn nữa đến nay tại Việt Nam không chấp nhận bất cứ đồng tiền ảo nào. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhiều lần khẳng định tiền ảo không được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

“Các ngân hàng thương mại cũng không chấp nhận hay cho phép sử dụng tiền này. Tại Việt Nam đến nay chưa có bất kỳ công ty nào được cấp phép hoạt động kinh doanh tiền ảo. Do đó những nhà đầu tư tham gia vào “đào” tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ” - ông Minh nhấn mạnh.

Một quan chức thuộc Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cũng từng khẳng định với Pháp Luật TP.HCM rằng Ngân hàng Nhà nước không xem tiền ảo là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo. Đây là hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhận “trái đắng”

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), lợi nhuận của một hoạt động kinh doanh có thể mang lại từ việc mua bán giá trị thật của hàng hóa, dịch vụ hoặc cũng có thể chỉ là giá trị ảo. Trường hợp kinh doanh tiền ảo thì chỉ là giá trị ảo. Sẽ không bao giờ có chuyện giá trị ảo mang lại lợi nhuận lớn, ổn định, lâu dài và cho tất cả mọi người tham gia. Hay nói cách khác, đến lúc giá trị ảo tăng quá cao và hoàn toàn thoát ly khỏi giá trị thật thì “nhà đầu tư” mới nhận “trái đắng”. Khi đó mới bừng tỉnh, thấy mình bị mất tiền oan, mình bị lừa, vì bỏ tiền ra mà không thu lại bất cứ giá trị vật chất hay tinh thần nào, mà chỉ mang lại lợi nhuận cho người khác.

Hoạt động kinh doanh, trong đó có việc tổ chức thuyết trình, chính là hành vi bán hàng đa cấp trái phép, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 4 về “Đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp” theo Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép…

CHÂN LUẬN

Một khi đã là giá trị ảo thì nó chỉ mang lại lợi nhuận tạm thời trong những điều kiện, hoàn cảnh tức thời và chỉ cho một số ít trong số nhiều người tham gia.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC

(VIAC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm