Lá đơn kêu cứu của bà Phạm Thị Thúy Liễu (47 tuổi, ở Bạc Liêu) gửi đến Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, Công an quận 4 và một số các cơ quan chức năng khác tố bác sĩ (BS) VMC (phòng mạch đặt tại quận 4, TP.HCM) tiêm Corticoid cho mẹ bà ba năm liền đến tử vong.
“Mẹ tôi tiêm Corticoid trong ba năm liền”
“Trong ba năm qua, mẹ tôi đến phòng mạch của BS VMC để điều trị đau nhức. Cách điều trị của BS C. là tiêm thuốc trực tiếp vào hai khớp gối mỗi ngày và cho thuốc về nhà uống. Sau khi tiêm, mẹ tôi có cảm giác bớt đau vài ngày, có khi vài tuần, sau đó thì nhức lại” - bà Phạm Thị Thúy Liễu trình bày. Cũng theo bà Liễu, BS C. dặn mẹ bà là mỗi đợt điều trị phải đi đủ 10 ngày và mẹ bà đã đi điều trị tại BS C. như vậy trong ba năm.
Ngày 17-1-2015, bà Dương Thị Lành (65 tuổi, mẹ bà Liễu) thấy người hơi mệt, đau nhức chân nhiều hơn nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo. Người nhà bắt taxi đưa bệnh nhân đến phòng mạch BS C. như mọi lần. Lần này, BS C. cũng tiêm thuốc vào khớp gối, truyền hai chai dịch, xong cho bệnh nhân về nhà. Tuy nhiên, khi đi trên taxi, bà Lành mệt, khó thở, đau ngực. Về đến nhà thì bà Lành ngã gục, ói và tiêu ra máu rất nhiều. Ngay lập tức người nhà đưa bà vào BV Thống Nhất cấp cứu. “Kết quả nội soi dạ dày bệnh nhân, các BS phát hiện nhiều ổ loét rất nặng, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Các BS cho biết bệnh nhân bị biến chứng do tiêm Corticoid dẫn đến xuất huyết dạ dày… có nguy cơ tử vong. Và mẹ tôi cũng đã tử vong sau đó” - bà Liễu trình bày.
Gia đình đã liên lạc với BS C. và BS này đã đến BV Thống Nhất để xem bệnh án của bệnh nhân. Xem xong, BS C. nói bệnh nhân già nên sinh ra đủ thứ bệnh tim, gan, dạ dày, cao huyết áp chứ không phải do ông gây ra.
BS VMC, người được cho là tiêm Corticoid khiến bà Lành bị biến chứng dẫn đến tử vong. Ảnh: CTV
Đòi bồi thường 500 triệu đồng
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của gia đình bà Lành (và một số bệnh nhân khác), Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra phòng mạch BS C. Sau đó BS C. bị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 86 triệu đồng với bốn lỗi: Thứ nhất, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; thứ hai, phòng mạch có biển hiệu nhưng không ghi đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; thứ ba, lập sổ khám bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; thứ tư, bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức.
Ngoài việc bị xử phạt tiền, BS C. còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời gian ba tháng do cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vướt quá phạm vi chuyên môn cho phép.
“Đối với yêu cầu của bà Liễu trong đơn về bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh tật và làm rõ việc điều trị của BS C. gây ra biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ bà là thuộc tranh chấp về khám bệnh, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế TP” - TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, giải thích.
Theo TS-BS Trạng, Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết như sau: Các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp; trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Liễu cho biết có một luật sư đã liên hệ với gia đình đề nghị thương lượng, hòa giải. Bà Liễu yêu cầu BS C. đền bù 500 triệu đồng, bao gồm các khoản: Chi phí điều trị cho mẹ bà tại BV Thống Nhất gần 300 triệu đồng; 80 triệu đồng tiền mua đất chôn cất và 100 triệu đồng tiền sinh mạng. Nếu thương lượng không được thì gia đình sẽ tính đến khả năng kiện ra tòa.
Sở Y tế phải lập hội đồng chuyên môn để xem xét Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, khi có đơn khiếu nại, Sở Y tế phải thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề. Cũng theo luật này, các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp. Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là năm năm kể từ khi sự việc xảy ra. LS NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM Corticoid là thuốc để điều trị các bệnh lý về khớp và gân. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ, do vậy cần phải điều trị đúng thời gian, liều lượng, đừng lạm dụng. Một số bệnh nhân không hiểu cứ thấy bớt thì dùng liên tục. Nếu dùng liên tục thì nó sẽ làm loãng xương mà dân gian gọi là mục xương. Một người bệnh chỉ tiêm 2-3 lần, mỗi lần cách nhau một tuần để theo dõi, không được tiêm hằng ngày. Tác dụng phụ lớn nhất của Corticoid là làm cho suy thượng thận cấp, người phù lên do giữ nước và mặt tròn như mặt trăng. Ngoài ra, tác dụng phụ của Corticoid còn gây biến chứng đường tiêu hóa. TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV 115 |