Chi 5 tỉ đồng để sàng lọc 140 thí sinh!

Kết quả rất khả quan, trừ một chi tiết nhỏ không như ý: Trường chỉ rớt có một học sinh, mà lý do rớt là đến trường thi muộn!

Điều ấy không hề lạ khi nhiều trường ở xa thành phố cũng có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Rất nhiều tỉnh, thành đạt và vượt con số cực đẹp 99%. Chuyện hài hước là đây là con số nằm trong dự đoán của nhiều người. Lý lẽ cửa miệng là năm ngoái đã hơn 98% kia mà!

Năm ngoái, mức chi cho một thí sinh khoảng 200.000 đồng, ngân sách cho thi tốt nghiệp trên toàn quốc đã là khoảng 200 tỉ đồng.

Cả nước năm nay có 910.831 thí sinh dự thi. Định mức chi mỗi địa phương có thể khác nhau nhưng chênh lệch chắc chắn không lớn. Lấy riêng Hà Nội làm ví dụ. Kinh phí trung bình cho một sĩ tử gần 300.000 đồng, vị chi kỳ thi đã ngốn khoảng 22 tỉ đồng ngân sách thủ đô.

Một tỉnh lẻ nọ báo cáo kết quả tốt nghiệp đạt 99,46%, nghĩa là tỉ lệ rớt chỉ nhỉnh hơn 0,5%. Chi phí tổ chức thi của tỉnh ấy, với “giá” bằng 2/3 Hà Nội thôi, đã vào khoảng hơn 5 tỉ đồng. Hơn 5 tỉ đồng để tìm ra khoảng 140 thí sinh chưa đạt chuẩn THPT. Tính ra trung bình mất gần 36 triệu đồng để sàng lọc được một trường hợp thi rớt!

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, không chỉ có ngành giáo dục, mà chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan như công an, giao thông, y tế, bưu điện, điện lực và hàng triệu phụ huynh học sinh đều phải cùng vào cuộc với bao căng thẳng, lo toan.

Những “con số đẹp” của kết quả thi tốt nghiệp có thể làm các nhà quản lý vui mừng nhưng cũng đem lại trong dư luận không ít băn khoăn - một sự băn khoăn đã được nói đến khá nhiều trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo những năm qua, bởi đó là những con số chứa nhiều nghịch lý. Nghịch lý của chất lượng học tập sau 12 năm học tập nhưng kết quả thi tốt nghiệp cứ “như mơ”. Nghịch lý giữa quyết tâm “trung thực” với căn bệnh “thành tích”.

Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá lại 12 năm đèn sách của học sinh nhưng kết quả quá hoàn hảo như thế nhiều năm liền đặt ra câu hỏi: Có cần phải tốn kém nhiều đến thế để tổ chức kỳ thi này?

ThS PHAN VĂN TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới