Chi chít thủy điện miền Trung: Cần nhạc trưởng điều phối xả lũ

Không chỉ quặn mình gánh những mất mát tang thương bởi bão to lũ dữ, vừa qua miền Trung còn chịu thiệt hại nặng nề từ việc xả lũ của nhiều công trình thủy điện. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một người trong cuộc - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) Ngô Văn Trấn khẳng định: Nếu nhà máy xả lũ gây ngập mà không hề báo trước để dân bị thiệt hại thì nhà máy đó phải bị chế tài.

Tạm dừng phát triển thủy điện là đúng

. Là người từng tham gia phê duyệt thành lập một trong những dự án thủy điện đầu tiên của miền Trung vào những năm 1980-1985, khi ấy ông quan tâm, cân nhắc điều gì nhất?

Chi chít thủy điện miền Trung: Cần nhạc trưởng điều phối xả lũ ảnh 1

Theo ông Ngô Văn Trấn, việc phê duyệt các công trình thủy điện cần bảo đảm giữ rừng đầu nguồn đến việc xử lý lũ lụt. Trong ảnh: Thi công, lắp đặt thiết bị của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: TTXVN

+ Thời điểm ấy Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong số ít những địa phương ở miền Trung có ý tưởng phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Hàng chục nhà máy thủy điện và máy thủy luân ở các huyện trung du và miền núi Quảng Nam như thủy điện An Điềm, thủy điện Phú Ninh, thủy điện Duy Sơn, Duy Sơn 2... đã được xây dựng.

Lúc ấy cũng đã có những cuộc tranh luận về cái được và mất của thủy điện nhưng vấn đề xả lũ thì không được quan tâm nhiều như hiện nay. Những bức xúc về mặt trái của thủy điện cũng chưa xuất hiện nên chủ trương phê duyệt các nhà máy thủy điện lúc đó là một chủ trương đúng.

Nhưng đến nay thì vấn đề thủy điện và xả lũ càng bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế ấy đòi hỏi các quyết định, chủ trương phải mang tính toàn diện, có tầm nhìn rộng và xa để thấy cái lợi tất yếu và cả cái hại nữa.

. Ông lý giải thế nào về thực trạng chi chít nhà máy thủy điện ở miền Trung hiện nay?

+ Người tiền nhiệm của tôi, ông Lê Đào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũ, đã từng sớm có ý kiến xây dựng thủy điện bậc thang đầu tiên của miền Trung.

Theo ông Đào, từ Quảng Bình đến Ninh Thuận có địa hình rất dốc, mảnh. Điều này được coi là thủy thế để tính toán làm thủy điện bậc thang nhằm tận dụng những lợi thế của địa hình, tiết kiệm nguồn thủy năng. Phương án này chỉ rõ nhà máy trên cùng xả nước sau khi qua tuabin lần thứ nhất rồi đến lượt các nhà máy thủy điện bậc dưới, kiểu như các thủy điện Sông Bung 1, 2,... Làm vậy là để sử dụng tiết kiệm năng lượng của thiên nhiên, đồng thời cũng là giải pháp giữ nước cho hồ, hạn chế ngăn lũ và cản trở bớt lượng nước dồn dập trong khi cây rừng ngày đang cạn kiệt, chức năng giữ nước của cây rừng ngày càng giảm. Ưu điểm của thủy điện bậc thang là thay thế một phần, khắc phục một phần chức năng của rừng.

Tuy nhiên, cái sai của chúng ta là quá lạm dụng và làm không có sự thống nhất mà hạn chế rõ nhất đã bộc lộ qua đợt xả lũ vừa rồi. Tại diễn đàn Quốc hội đã có đại biểu đề nghị Chính phủ tạm dừng việc phát triển thủy điện để có sự tính toán đầy đủ, toàn diện là rất đúng.

Ký quỹ bảo vệ môi trường

. Việc phê duyệt các công trình thủy điện hiện nay cần phải lưu ý những gì, thưa ông?

+ Phải yêu cầu các dự án thủy điện đảm bảo từ việc giữ rừng đầu nguồn cho đến việc xử lý lũ lụt. Thậm chí những dự án ấy phải ký quỹ bảo vệ môi trường, trích lợi nhuận để trồng rừng.

Bạn tôi, một chuyên gia Úc đã phải thốt lên rằng sao chúng ta quá dễ dàng với các nhà đầu tư như vậy. Ở Úc, các dự án có ảnh hưởng đến môi trường đều phải ký quỹ bảo vệ rừng, bù đắp, trả lại những thiệt hại về môi trường. Chúng ta cũng phải làm vấn đề này cho nghiêm. Trước khi phê duyệt thì phải biết rừng sẽ phát triển thêm bao nhiêu, những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng đầu nguồn là gì, vì đó là nguồn sống của thủy điện.

Hiện một số công trình thủy điện như An Điềm 1 chỉ còn 65% đến 70% công suất vì rừng cạn kiệt. Đó là ví dụ nhỏ nhãn tiền và tương lai các thủy điện lớn như A Vương, Sông Bung, Sông Tranh, Yaly... sẽ không tránh khỏi việc thiếu nước. Bởi chúng ta chỉ mới khai thác tiềm năng thủy thế sẵn có mà chưa ai lo chuyện trồng và bảo vệ rừng thì lấy đâu nước ra mà làm thủy điện. Nó giống như việc nấu cơm, ai cũng lo xách nồi đi vo gạo mà chẳng ai nghĩ đến việc trồng lúa.

. Vậy theo ông, để hạn chế những thiệt hại do nhà máy thủy điện xả lũ thì cần phải làm gì?

+ Việc xả lũ là cần thiết nhưng nếu không có cách làm đồng nhất thì sẽ rất nguy hiểm, gây sập các nhà máy thủy điện ở dưới và gây ngập lụt nghiêm trọng.

Việc cần làm ngay là lập một tổng đài liên lạc của các nhà máy thủy điện để điều phối việc xả lũ. Theo đó, khi các nhà máy thủy điện ở bậc trên cao nhất xả lũ thì phải báo cho tổng đài, tổng đài báo tiếp cho các nhà máy thủy điện bậc dưới và cứ thế, thủy điện bậc thấp nhất sẽ phải báo cho vùng hạ lưu nơi dân cư sinh sống. Quy định này phải thực hiện nghiêm, nhà máy nào làm sai phải bồi thường, có trách nhiệm vật chất, có chế tài. Như vậy thì người dân và chính quyền vùng hạ lưu mới chủ động ứng phó với việc xả lũ. Chứ như vừa rồi nhà máy thủy điện xả lũ cứ xả, dân biết hay không mặc kệ và thiệt hại nặng nề đã xảy ra.

Nói như vậy để thấy cần một sự điều hành thống nhất cho từng hệ thống thủy điện theo vùng để có quy hoạch, điều hành phát triển, cũng như xử lý sự cố. Đã đến lúc các ngành, chính quyền địa phương nơi có tiềm năng thủy điện phải ngồi lại và có một cách tính toán nghiêm túc thì tiềm năng thủy điện của đất nước ta mới phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả thiết thực.

. Xin cảm ơn ông.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm