Tổng cục Du lịch vừa công bố kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017. Cuộc khảo sát đã được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (bốn cửa khẩu đường không, bốn cửa khẩu đường bộ và bốn cảng biển).
Theo đó, gần 60% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên.
Điều tra mới nhất cũng chỉ ra 93,46% khách hài lòng về chuyến du lịch tại Việt Nam; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng.
Chi tiêu trung bình của khách lưu trú tại Việt Nam hiện cao nhất là khách châu Đại Dương 1.790 USD mỗi lượt, tiếp đó là khách châu Mỹ với 1.525 USD, khách châu Âu - 1.295 USD, khách châu Á - 995 USD. Độ dài thời gian chuyến đi bình quân đối với khách lưu trú là 9,27 ngày.
Nhiều vấn nạn chưa được giải quyết
Anh Maltix đến từ Cộng hòa Czech cho biết mới đến TP.HCM hai ngày và ấn tượng với anh là người Việt rất tốt bụng, dễ thương, thân thiện. Tuy nhiên, điều làm anh khó chịu nhất là tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách để bán hàng.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Fiditour, cho biết điều mà du khách thường hay phản hồi lại với công ty sau mỗi chuyến đi khiến họ chưa hài lòng là: Sản phẩm du lịch ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu tuyến điểm du lịch nổi bật, thiếu sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, môi trường du lịch chưa an toàn, dịch vụ còn nhiều bất cập.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, cho biết điều mà du khách cảm thấy không hài lòng là tình trạng kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là vấn nạn chặt chém, trộm cắp, an ninh an toàn ở Việt Nam còn chưa giải quyết triệt để… “Nếu khách nào “dính” một lần thì thử hỏi có dám trở lại hay không, chưa kể sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.
Còn bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, cho rằng: Các cơ quan chức năng nên tập trung giải quyết các vấn nạn tiêu cực còn tồn đọng.... “Điều này thể hiện qua việc các website của một số quốc gia Mỹ, Canada, Pháp, Thụy Sĩ, Úc… đều khuyến cáo công dân của họ khi đến Việt Nam du lịch lưu ý về các vấn nạn này”, bà Giang nói.
Bà Giang kể thêm, nhiều khách quốc tế hiện nay chia sẻ về việc chất lượng phục vụ ở một số đơn vị kém chất lượng so với giá và thông tin đăng trên các website, dẫn đến thông tin không đúng sự thật.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tuấn Quyền dẫn chứng, sự việc tài xế taxi Hà Nội lừa gạt trả khách bằng tiền âm phủ; khách đưa lên mạng xã hội phản ánh sẽ làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt. Tuy nhiên, xử lý các vi phạm kiểu này rất khó, vì du khách không phải người nào cũng nói tiếng Anh và họ bị khống chế về thời gian. Công an thì thường không giỏi ngoại ngữ, mà những kẻ vi phạm lại thường nhắm vào du khách quốc tế, như vậy còn ai dám quay lại du lịch nữa.
Khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chưa mừng
Những người làm du lịch Việt Nam từng lo ngại khi 60% khách du lịch nước ngoài không quay lại. Bên cạnh đó, con số 40% lượng khách quay trở lại vẫn hết sức chênh lệch với các quốc gia láng giềng như Thái Lan 82%, Singapore 89%.
“Tôi nghi ngờ về số liệu 40% khách quốc tế quay trở lại, có thể vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Nếu 100 du khách vào Việt Nam có khoảng 40 khách đến lần hai lần ba, còn lại 60 khách đến Việt Nam lần đầu. Vì chúng tôi không rõ Tổng cục Du lịch có nghiên cứu rõ tỉ lệ du khách quay lại là ở những thị trường nào”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, hiện nay hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nhưng rất nhiều du khách đến Việt Nam không phải với mục đích du lịch mà đi lao động, làm ăn nhưng xin visa đi du lịch cho thuận tiện. Chưa kể ở cửa khẩu đường bộ thì khách Trung Quốc qua Việt Nam dễ dàng.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tuấn Quyền cũng cho rằng thống kê của ngành du lịch cho thấy trong năm qua Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế thì Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm hơn 50%.
Do vậy, nếu căn cứ vào tỉ lệ 40% khách quay trở lại, mà không đi sâu vào phân tích cơ cấu thì cũng không làm bật ra vấn đề gì. Nếu 40% đó rơi vào khách Trung Quốc, nổi tiếng với tour 0 đồng thì quay lại lần hai hay lần ba cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Theo Tổng cục Du lịch, gần 60% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên. Ảnh: Tú Uyên
Bà Thu cũng cho biết so với khảo sát trước đây, tỉ lệ 40% du khách quay lại được xem là đáng mừng. Nhưng cũng cần cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt khách quốc tế cũng như tạo thêm sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách quay trở lại, ngành du lịch cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của du khách theo từng phân khúc thị trường để từ đó xây dựng sản phẩm du lịch nhắm đúng vào nhu cầu của du khách.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, quản lý giá cả trong nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ ở địa phương còn bị thả nổi. Sản phẩm địa phương tuy có cải tiến nhưng vẫn còn thô sơ, ngược lại ở một số công trình lớn thì lại bị thương mại hoá quá mức...Tổng cục nên có những chiến lược đầu tư đột phá những mảng du lịch mới tạo ra dòng tiền lớn, ví dụ như du lịch y tế, nha khoa và y hoc cổ truyền,…
Bà Trương Thị Thu Giang, Phó giám đốc Ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, cho rằng hiện tại chưa có địa phương nào được xem là điển hình làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách… Nhiều địa phương cung cấp số hotline giải quyết sự cố xảy ra khi khách đến địa phương du lịch thì không thể liên hệ ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, lễ. Trong khi các sự cố thường xảy ra trong thời gian này thì quy trình xử lý các sự cố chưa được các địa phương chú trọng xây dựng để triển khai thực hiện. Khi phát sinh các sự cố thì rất lúng túng trong khâu phối hợp giải quyết. |