Chiều 6-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên toà tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện VKS.
Sau khi công bố xong hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm khác thì 14 giờ 30, VKS công bố đến hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Capella).
Bị cáo Nguyễn Cao Trí là người duy nhất bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tội danh và hình phạt truy tố đối với ông Trí được quy định tại khoản 4 Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2020, bà Lan thỏa thuận mua cổ phần một số dự án của ông Trí, gồm: 31,22% vốn điều lệ tại Công ty CP Cao su Công nghiệp, thỏa thuận bán vốn điều lệ Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Bà Lan nhiều lần chuyển tiền cho ông Trí thông qua Hồ Quốc Minh (người được bà Lan nhờ đứng tên hộ cổ phần) để thanh toán.
Do nhận nhiều khoản tiền từ bà Lan nhưng không có giấy tờ biên nhận nên đến tháng 1-2021, ông Trí gặp bà Lan tại một nhà hàng tại TP.HCM và thống nhất chốt các khoản bà Lan đã chuyển cho ông Trí tổng cộng 1.000 tỉ đồng.
Sau đó, ông Trí đã chỉ đạo soạn thảo, ký giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Hồ Quốc Minh. Cùng ngày, ông Trí ký giấy chứng nhận cho Hồ Quốc Minh sở hữu 10% vốn điều lệ Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang.
Sau khi bà Lan bị khởi tố và bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 21 và 22-10-2022, ông Trí chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty CP Cao su Công nghiệp, điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang.
Đến ngày 23-10-2022, ông Trí hẹn gặp Hồ Quốc Minh tại một quán cà phê trong sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM (trước khi Minh đi nước ngoài chữa bệnh) để ký hồ sơ thanh lý hợp đồng.
Ông Trí đã tự lập các bản thanh lý hợp đồng với Hồ Quốc Minh là người đứng tên sở hữu cổ phần hộ cho bà Lan mà chưa thông qua sự đồng ý của bà Lan.
Đáng chú ý, quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26-12-2022 đến ngày 15-1-2023, ông Trí không thừa nhận đã nhận tiền của bà Lan. Ông Trí khai việc Trí gặp Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất là tình cờ, không giao giấy tờ, tài liệu cho Minh ký. Sau đó, mặc dù đã có Bản kết luận giám của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định chữ viết của Trí trong các tài liệu do Trí lập để theo dõi, xác nhận số tiền đã nhận của bà Lan nhưng Trí vẫn không thừa nhận việc đã nhận tiền của bà Lan. Ông Trí còn cho rằng bà Lan vu khống, bôi nhọ danh dự của Trí.
Tuy nhiên, theo VKS, căn cứ tài liệu, chứng cứ, kết luận giám định, lời khai bị can và các cá nhân liên quan, có đủ cơ sở xác định: Lợi dụng việc bà Lan bị bắt, ông Trí đã có thủ đoạn gian dối chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan.
VKS còn xác định đối với Hồ Quốc Minh, do đã xuất cảnh nên chưa đủ tài liệu, chứng cứ xác định vai trò đồng phạm với Trí nên kiến nghị tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ.
Đối với 3 cá nhân liên quan trong đó có em trai của Trí, đều thừa nhận đứng tên sở hữu cổ phần hộ Trí và không được trao đổi, thỏa thuận, không biết động cơ, mục đích của việc ký các hợp đồng, biên bản thanh lý và không được hưởng lợi nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu giữ tiền mặt khi khám xét người Trí và nơi làm việc hơn 93 tỉ đồng. Gia đình ông Trí đã nộp khắc phục số tiền hơn 640 tỉ đồng và CQĐT đã kê biên bảy bất động sản...