Chi phí sản xuất cao cản trở dệt may

Hội thảo lấy ý kiến báo cáo nghiên cứu TPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức ngày 5-8 tại Hà Nội.

Những rào cản của DN dệt may

Theo nhóm nghiên cứu, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội cho các DN Việt Nam khi tham gia chuỗi toàn cầu, trong đó ngành dệt may được xem là cốt yếu hưởng lợi nhiều nhất. Dệt may cũng là vấn đề quan trọng trong đàm phán giữa Việt Nam với các đối tác TPP. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao và năng suất lao động yếu là hai rào cản cho sức cạnh tranh của DN Việt.

Nhóm nghiên cứu dẫn chứng giá sản phẩm dệt may của DN Trung Quốc chỉ bằng 85%-90% giá các nước khác cung cấp cho thị trường Mỹ. Trong khi đó thiết bị của các DN Việt Nam quá lạc hậu, cộng thêm các yếu tố khác như chi phí giao thông, thuế, hải quan, giá điện… cao hơn so với các nước khác khiến cho chi phí sản xuất cao, cản trở sự cạnh tranh về giá cho DN Việt Nam. Ngoài ra, thời gian giao hàng của Việt Nam 45-60 ngày cũng lâu hơn so với các DN Trung Quốc (23-30 ngày).

Chi phí sản xuất cao và năng suất lao động yếu là hai rào cản cho sức cạnh tranh của DN dệt may trong nước. Ảnh: Hữu Luận

Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng điểm yếu của DN dệt may Việt Nam là năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ thấp, các phát minh sáng chế về kỹ thuật hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao, tiêu tốn nhiều nguồn lực đầu vào. Bên cạnh đó, DN có ít thông tin về thị trường, sự thiếu gắn kết giữa các DN trong nước, lực lượng lao động của dệt may Việt Nam không ổn định, chi phí đào tạo lớn, ý thức tác phong công nghiệp kém cũng là những trở ngại cho việc phát triển của ngành dệt may.

Thiếu nguồn cung nguyên liệu

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Công ty May Hưng Yên, chia sẻ thêm năng suất lao động ngành dệt may của Việt Nam chỉ bằng 50%-60% so với các nước khác có cùng sản phẩm cạnh tranh. “Đây là vấn đề đáng báo động, để đuổi kịp với các nước thì DN Việt Nam phải mất 10-15 năm vì mỗi năm chỉ tăng được 2%-3%. Hay như thời gian làm việc, TPP không giới hạn vấn đề này mà tùy thuộc vào từng quốc gia. Việt Nam quy định 230 giờ nhưng năng suất lao động chỉ bằng 30%-40% so với nhiều nước. Ở đây vai trò của công đoàn cần phải được thể hiện rõ, gắn thời gian làm việc với thu nhập để tương xứng” - ông Dương phân tích.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng nêu thực tế nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chiếm 60%-80%, DN trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường này. Ông Dương dẫn chứng một DN sản xuất đồ nội y nam, nếu nhập đúng mẫu vải từ Trung Quốc có thể đạt năng suất 3.000 chiếc/ngày nhưng ở trong nước rất khó tìm được nhà cung cấp loại vải tương tự. Bên cạnh đó, vị này cho rằng nút thắt quan trọng trong điểm yếu của DN dệt may Việt Nam là thiếu cơ sở nhuộm. DN sẽ phải đối mặt với chi phí về môi trường, xử lý nước thải quá lớn nếu như đầu tư nhà máy nhuộm sợi…

TRÀ PHƯƠNG

Neo tỉ giá lâu, DN xuất khẩu gặp khó

Việc cơ quan điều hành tiền tệ neo tỉ giá quá lâu cũng khiến cho DN xuất khẩu gặp khó khăn. Ví dụ năm 2011, có thời điểm tỉ giá USD lên đến 22.000 đồng/USD nhưng sau đó giảm chỉ còn 21.200 đồng, tương ứng giảm 800 đồng/USD và giữ cho đến thời điểm này. Việc tăng giá USD rất có lợi cho DN, năm 2010 DN của tôi chỉ đạt doanh thu đạt 7 triệu USD nhưng đến năm 2011 khi tỉ giá được điều chỉnh đã đạt 10 triệu USD, tăng hơn 30%.

Ông Nguyễn Xuân Dương,  Giám đốc Công ty May Hưng Yên

Một khảo sát các DN nhập khẩu hàng dệt may tại Mỹ cho thấy hơn 50% DN trả lời sẽ giảm các đơn hàng từ Trung Quốc để tạo cơ hội thị trường cho các nước khác; hơn 90% câu trả lời sẽ chuyển hướng đơn hàng cho Việt Nam. Đây là cơ hội cho DN dệt may Việt Nam.

(Đại diện nhóm nghiên cứu TPP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm