Chỉ thị mới nhất của Bộ Công Thương về gạo

(PLO)- Quản lý thị trường các địa phương phối hợp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-8, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm các quy định

Chỉ thị nêu: Thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước Ấn Độ, UAE, Nga; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực…đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả.

Đồng thời triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg, Chỉ thị số 24/CT-TTg, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nắm bắt thông tin, hỗ trợ hướng dẫn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

Tiếp tục đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Người dân đang mua gạo tại chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM . ẢNH: TÚ UYÊN

Người dân đang mua gạo tại chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM . ẢNH: TÚ UYÊN

Xúc tiến quảng bá gạo chất lượng cao Việt Nam ra nước ngoài

Vụ Chính sách thương mại đa biên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường nước ngoài đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với gạo để gỡ bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan dành cho sản phẩm gạo của Việt Nam.

Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Vụ Thị trường Châu Âu- Châu Mỹ, chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại…

Riêng các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Hoa Kỳ,…Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại tăng cường cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ tại các các trường này; tình hình xuất khẩu, các động thái chính sách liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu nhiều biến động

Chỉ đạo Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tiếp thị gạo, triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao để thâm nhập các thị trường khó tính.

Doanh nghiệp bình ổn đảm bảo cung ứng thóc, gạo đến cuối năm

Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo Sở Công Thương địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Đôn đốc DN tham gia bình ổn thị trường có phương án về nguồn thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm.

Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.

Chỉ đạo các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình giá gạo.

Kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán. Ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cục Phòng vệ thương mại, triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm