Tin vui cho những người dân sống ven những dòng kênh, con rạch đang bị ô nhiễm trầm trọng ở ngoại ô TP.HCM: UBND TP vừa có quyết định giao cho các đơn vị liên quan thực hiện nhiều dự án nạo vét, cải tạo.
Giải quyết “điểm nóng”
Tuyến kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa - điểm nóng ô nhiễm nằm giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn, trong tương lai không xa sẽ có cơ hội hồi sinh bởi dự án nạo vét, cải tạo.
Chủ đầu tư dự án - trung tâm chống ngập cho biết phương án nạo vét kênh Trần Quang Cơ với chiều dài hơn 8 km cũng đã được Sở NN&PTNT phê duyệt. Tổng kinh phí nạo vét tuyến kênh này hơn 56 tỉ đồng, giai đoạn thực hiện 2016-2017.
Nói về việc cải tạo kênh Trần Quang Cơ có kết hợp với mở đường hay không, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc trung tâm chống ngập, cho hay hiện dự án do đơn vị này đang thực hiện chưa có hạng mục mở đường ven kênh. Tuy nhiên, việc mở đường hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Theo khảo sát của chúng tôi, dọc tuyến kênh Trần Quang Cơ nhiều đoạn đã có đường đi thuận tiện. Do đó việc mở đường không khó. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch đường giao thông do Sở GTVT TP thực hiện, phía trung tâm chỉ thực hiện dự án cải tạo, nạo vét để kết nối về tiêu thoát nước và đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Công nói.
Cũng trên quận 12, TP vừa có quyết định chấp thuận giao cho quận 12 lập dự án nạo vét, xây dựng kiên cố 18 tuyến kênh rạch với tổng mức đầu tư hơn 817 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020.
Đó là những con rạch ô nhiễm trầm trọng khiến người dân vô cùng ngao ngán như rạch Tầm Vu (phường Thạnh Lộc), rạch Bà The (phường Thạnh Xuân), rạch Lò Heo (phường Thạnh Lộc)…
Tuyến kênh Trần Quang Cơ (quận 12 và huyện Hóc Môn) sắp được thực hiện dự án nạo vét kết hợp với xây dựng kiên cố dọc kênh với kinh phí hơn 56 tỉ đồng. Ảnh: KB
Cần kết nối thoát nước, giao thông
Cũng nằm giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn, rạch Cầu Sa lâu nay luôn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Ngoài tiếp nhận những nguồn nước đen sì, hôi thối từ các cơ sở sản xuất, tình trạng lấn chiếm rạch làm thu hẹp dòng chảy gây ngập úng càng khiến người dân thêm bức xúc. Mới đây, xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) có công văn cầu cứu trung tâm chống ngập sớm thực hiện dự án nạo vét.
Cũng cùng chung hoàn cảnh, UBND huyện Bình Chánh vừa kiến nghị các đơn vị liên quan nên sớm thực hiện các dự án nạo vét, cải thiện môi trường 15 tuyến kênh rạch ô nhiễm trầm trọng trên địa bàn huyện. Trong đó có tám tuyến kênh thoát nước do trung tâm chống ngập quản lý và bảy tuyến kênh rạch do Công ty Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM quản lý. Việc nạo vét kênh rạch cần phải được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020…
Pháp Luật TP.HCM nêu vấn đề: Có quá nhiều dự án nạo vét kênh rạch nhưng việc kết nối về tiêu thoát nước, giao thông chưa thể hiện rõ, liệu có xảy ra tình trạng tái diễn ô nhiễm, ngập nghẹt?
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc trung tâm chống ngập, nhìn nhận: “Vấn đề báo đề cập cũng là vấn đề trung tâm lo ngại. Tuy nhiên, đối với các dự án TP giao cho UBND quận, huyện làm chủ đầu tư thì khi thực hiện dự án, phía trung tâm sẽ có ý kiến về mặt chuyên ngành. Ví dụ, dự án nạo vét đoạn rạch đó có cần thiết hay không, quy mô thế nào là phù hợp. Qua đó sẽ giúp dự án sau khi thực hiện phát huy được hiệu quả về tiêu thoát nước”.
Về kết nối giao thông, theo ông Công, trong quá trình đánh giá các dự án nạo vét, nếu thấy những khu vực nào thuận lợi về mở đường kết nối giao thông, trung tâm vẫn có thể đề xuất, kiến nghị TP giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện.
Cẩn thận để tránh lãng phí Xem danh mục dự án nạo vét kênh rạch ở quận 12, một kỹ sư có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực thoát nước cho rằng chi phí mỗi dự án khá lớn, số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng do đó cần phải được đánh giá kỹ về mặt chuyên ngành để tránh xảy ra tình trạng lãng phí. “Có những khu vực ô nhiễm chủ yếu là do cỏ rác thì chỉ cần vận động các đơn vị liên quan cùng người dân dọn dẹp vệ sinh, không cần phải nạo vét, xây dựng kiên cố. Những nơi nạo vét, xây dựng kiên cố với kinh phí cao phải tính đến việc kết nối thoát nước theo lưu vực, kết nối về giao thông đường bộ lẫn đường thủy. Theo tôi, UBND TP nên giao cho một đơn vị làm đầu mối, khảo sát toàn diện và đưa ra các phương án giải cứu kênh rạch ngoại thành, không nên thực hiện theo từng dự án riêng lẻ” - vị này nói thêm. Nước dơ kinh khủng, chịu không thấu “Con rạch này nằm gần chợ nên nước dơ kinh khủng. Đợt bung cửa ngăn triều mới đây nước thối tràn ngập khắp nơi, dân không chịu thấu. Vì vậy, dân ở đây ai cũng mong con rạch này sớm được nạo vét, khơi thông, giảm bớt ô nhiễm”. Chỉ cho chúng tôi xem đoạn rạch ngập cỏ rác và dòng nước đen sì sủi bọt hôi tanh, chị Lan, nhà gần rạch Tầm Vu (quận 12), ngao ngán nói. |