Chỉ xúi giục đánh nhau, vẫn có thể bị truy cứu tội giết người

(PLO)- VKSND Tối cao rút kinh nghiệm một vụ án về trách nhiệm hình sự của người cầm đầu, xúi giục đánh nhau; trong đó có căn cứ vào Án lệ số 17 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11 vừa qua, VKSND Tối cao đã ban hành Thông báo 256 về việc rút kinh nghiệm vụ án hình sự đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trước đó, ngày 25-7, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình đối với Phạm Quốc Bảo để điều tra lại.

Hỗn chiến xuất phát từ cái “xoa đầu”

Tối 4-2-2019, nhiều thanh niên ở các thôn thuộc xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, Quảng Bình dựng rạp tổ chức liên hoan hát tất niên. Đến 22 giờ cùng ngày, Hồ Viết Dũng và Phạm Quốc Bảo ở rạp của thôn Tân Lý đến thôn Thượng Hòa để giao lưu. Lúc này, Phạm Văn Hùng khoác vai Bảo cùng nhảy múa và có chạm tay vào đầu Bảo. Bảo cho rằng Hùng xoa đầu là xúc phạm mình nên tát vào mặt Hùng, dẫn đến một số thanh niên xông vào đánh Bảo và Dũng.

Sau khi bị đánh, Bảo và Dũng chạy về rạp của nhóm mình thông báo bị đánh và bảo mọi người đi đánh trả thù, nhiều người đồng ý. Khi mọi người có mặt thì Bảo nói “Số người ở rạp thôn Thượng Hòa rất đông, cần tìm hung khí mang đi” nên một số người đã mang theo hung khí; trong đó Hồ Viết Dũng cầm theo một cái kéo, còn bản thân Bảo mang theo một con dao.

Khi đến gần rạp thôn Thượng Hòa, Bảo hô: “Xông lên, đập bọn Thượng Hòa”, sau đó hai nhóm xông vào ẩu đả. Trong quá trình đánh nhau, Hồ Viết Dũng dùng kéo đâm nhiều nhát vào người Phạm Duy Hùng, rồi mang theo kéo bỏ chạy thì gặp Bảo. Dũng nói với Bảo: “Cụ ơi, cháu mới đâm thằng nớ mấy nhát, không biết chết hay sống”. Hậu quả, Phạm Duy Hùng tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu, một thanh niên khác bị tổn hại sức khỏe 12%, tình hình an ninh trật tự khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt Phạm Quốc Bảo 30 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, tòa án còn xử phạt 14 bị cáo khác về các tội giết người, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Sau đó, một số bị cáo và đại diện bị hại kháng cáo. Đồng thời, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị, đề nghị hủy phần hình phạt đối với Phạm Quốc Bảo và một bị cáo khác; trong đó đề nghị điều tra, truy tố, xét xử thêm về cố ý gây thương tích đối với Phạm Quốc Bảo.

Xử phúc thẩm, đối với phần kháng nghị của VKS, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng không chấp nhận kháng nghị.

Là người khởi xướng, cầm đầu nhóm đánh nhau, Bảo phải chịu trách nhiệm về hành vi, hậu quả của sự việc này, trong đó có người bị thương tích, có người tử vong.

Cần áp dụng án lệ

Ngày 19-8-2021, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy phần trách nhiệm hình sự của hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm đối với Phạm Quốc Bảo để điều tra lại. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy án như đã nêu trên.

Theo thông báo rút kinh nghiệm của VKSND Tối cao, trong vụ án này, ban đầu Bảo dùng tay đánh Hùng, sau đó chính Bảo thông báo cho nhóm thanh niên thôn mình đi đánh trả thù.

Bảo nói mọi người mang theo hung khí, bản thân Bảo cũng mang theo một con dao, khi đến nơi thì Bảo hô đồng bọn “Xông lên, đập bọn Thượng Hòa”. Khi Dũng đâm Hùng xong thì có thông báo với Bảo về hành vi của mình cho Bảo nghe. Bảo không nói gì, chấp nhận hậu quả xảy ra.

Như vậy, Bảo là người khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu trong nhóm người tìm đánh thanh niên thôn Thượng Hòa. Bảo là người phải chịu trách nhiệm về hành vi, hậu quả của sự việc này, trong đó có người bị thương tích, có người tử vong. Một số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, giết người. Hành vi của Bảo có đủ dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Việc các cơ quan tố tụng chỉ truy cứu đối với Bảo về tội gây rối trật tự công cộng là sai lầm nghiêm trọng.

Mặt khác, tại Án lệ số 17 ngày 17-10-2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn, trường hợp người xúi giục đồng bọn đánh nhau, có mang theo hung khí, dù không có mặt khi thực hiện tội phạm, không biết đồng bọn dùng mã tấu chém chết người thì vẫn phải truy cứu về tội giết người; thực tế người này đã để mặc hậu quả xảy ra thì hậu quả đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó.

Án lệ số 17 về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội giết người có đồng phạm

Tình huống án lệ: Trong vụ án có đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, các đồng phạm đã rủ nhau đánh dằn mặt bị hại. Khi thực hiện tội phạm, người thực hành dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành.

Người xúi giục không có mặt khi người thực hành thực hiện tội phạm, không biết việc người thực hành sử dụng mã tấu chém vào những vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra.

Với tình huống như trên, Án lệ số 17 nêu giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, người thực hành phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ”. Người xúi giục bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng không bị áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.