Nhận định này được bà Phạm Chi Lan đưa ra sáng nay, 31-7 tại Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN đưa ra nhận xét về việc các bộ, ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính (TTHC). Nhiều đại biểu coi đó là điều đáng mừng và tán thành, cảm ơn các cơ quan chức năng.
Tuy vậy, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Dù có nhiều lời cảm ơn của DN đối với các bộ, ngành… nhưng lại chưa ai lên tiếng chia buồn với các DN đã “ra đi” vì các bộ, ngành không kịp cải cách. Thời gian vài ba năm chờ đợi đã có thể giết chết vài ngàn DN rồi”.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng: Tư duy mặc định DN có sai phạm đã làm cải cách ĐKKD khó thực hiện. Ảnh: CHÂN LUẬN
Dẫn chứng số liệu, bà Lan cho hay: Riêng sáu thang đầu năm 2018, đã có trên 64.000 DN đăng ký mới nhưng lại có tới trên 52.000 DN ngưng hoạt động, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chưa bao giờ số DN ngưng hoạt động chiếm tới 80% DN đăng ký mới như vậy” - bà Lan nhận định. Riêng quý 2-2018, vẫn theo bà Lan, chỉ có 283.000 việc làm mới được tạo ra, giảm hơn so với quý 2-2017. Đương nhiên, điều này có nguyên do từ thách thức về công nghệ, kinh tế, chiến tranh thương mại… “Nhưng chưa chờ tới những thứ đó thì các vấn đề chính sách kinh tế có thể giết chết DN trong nước rồi” - bà Lan nhận định.
Theo vị chuyên gia kinh tế cao cấp này, các vấn đề về môi trường kinh doanh chiếm tới 50% khả năng cạnh tranh của DN. Vì vậy, ít nhất các ĐKKD phải chịu trách nhiệm 50% cho tình hình nói trên.
“Nên có lời điếu cho các DN phải rút ra khỏi thị trường” - bà Lan nói thẳng.
Dĩ nhiên, việc cải cách môi trường kinh doanh, cắt giảm ĐKKD là rất khó khăn, nhọc nhằn. Theo bà Lan, gốc rễ vấn đề nằm ở tư duy mặc định xuyên suốt của các cán bộ, công chức hoạch định chính sách.
“Có thể họ nghĩ đã là DN thế nào cũng có vi phạm, đã làm là có sai, nên có những thứ như thủy sản phải kiểm tra 100%, hay phân luồng quốc tế đã áp dụng mà trong nước vẫn chưa thể vào cuộc sống. Hệ thống quản lý của chúng ta quản lý trên sự nghi ngờ chứ không phải niềm tin” - bà Lan nói và cho rằng: Từ tư duy như vậy nên trình độ, nhận thức của cán bộ cũng có vấn đề.
Lẽ ra, theo bà Lan, quản lý nhà nước phải nắm những cái lớn nhưng ông lớn, để ý tới các vấn đề vĩ mô thì lại buông lỏng tất cả để quản lý những cái nhỏ, những vấn đề vi mô.
“Không quản lý những cái lớn như DNNN thì sẽ mất mát rất lớn cho nền kinh tế. Nhưng quản lý nhà nước lại buông để đi kiểm soát toàn xã hội. Cứ như thế thì làm sao đất nước phát triển được” - bà Lan đặt vấn đề.
Theo bà Lan, các cơ quan nhà nước đang nhầm lẫn kinh khủng khi can thiệp vào công việc kinh doanh của DN, dẫn đến việc “quản lý tùm lum” trong khi lẽ ra nhà nước chỉ can thiệp khi có tranh chấp.
“Có lẽ chúng ta vẫn thấy bóng dáng phân định sai về lợi ích khi quản lý nhà nước tập trung “chiếu tướng” DN nhỏ hơn là DN to, tạo thuận lợi hơn cho FDI thuận so với DN trong nước, DNNN ít bị “soi” hơn so với DNTN” - bà Lan nhận định.
Cuối cùng, chuyên gia này cho rằng: Ngay cả quyền lực giữa các bộ với nhau, giữa các cục, vụ trong một bộ cũng bị phân tán và không thống nhất với nhau. Điều này làm cho cải thiện ĐKKD không thực hiện được.