Chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý đối với các luật sư

(PLO)- Theo ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM), nếu có điều tra viên nhờ “ký giùm” thì các trợ giúp viên và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý nhất định không được ký nếu không tham gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-7, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho luật sư thực hiện TGPL trên địa bàn TP.HCM năm 2024.

Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM) cho rằng trải qua 25 năm phát triển, Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM là một trong những chỗ dựa đáng tin cậy cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế trong xã hội khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp lý.

tro-giup-phap-ly-1.jpg
Ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Theo ông Đạt, với khẩu hiệu “Luôn luôn đi cùng dân” những năm qua, các luật sư đã đồng hành cùng Trung tâm thực hiện TGPL, tư vấn pháp luật hàng trăm trường hợp, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng… Kết quả là nhiều vụ việc được đánh giá thành công, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế có cơ hội tiếp cận, hiểu được các quyền và lợi ích chính đáng của mình,…

"Vừa qua, Trung tâm đã ký kết mới và gia hạn hợp đồng với các luật sư thực hiện TGPL đủ điều kiện; đã nâng số lượng luật sư thực hiện TGPL lên hơn 190 người" - ông Đạt nói.

Để tạo sự thống nhất trong công tác quản lý về công tác TGPL, hội nghị sẽ tập huấn 2 vấn đề chính là kỹ năng tham gia tố tụng, thủ tục quyết toán cho người thực hiện TGPL, cập nhật hồ sơ vụ việc kết thúc lên hệ thống TGPL theo quy định. Đồng thời, đây cũng là buổi trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng của các luật sư, trợ giúp viên pháp lý.

tro-giup-phap-ly-2.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt đã chia sẻ về các kỹ năng tham gia tố tụng khi thực hiện TGPL. Theo ông Đạt, khi làm việc với điều tra viên, có trường hợp luật sư quên ghi tên vào biên bản làm việc mặc dù có chữ ký. Điều này dễ dẫn đến biên bản làm việc này không đúng theo quy định và cũng ảnh hưởng đến việc thanh toán công tác phí.

Cạnh đó, theo ông Đạt, nếu có điều tra viên nhờ “ký giùm” (vì một số trường hợp bắt buộc phải có chữ ký của trợ giúp viên hoặc luật sư) thì nhất định không được ký nếu không tham gia.

Theo ông Đạt, nếu không tham gia sẽ không thể nắm được những lời khai này có đúng hay không. Nếu có vấn đề xảy ra sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước mà cả Trung tâm, trợ giúp viên hoặc luật sư đã ký vào biên bản đều phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, ông Đạt khuyên các trợ giúp viên, các luật sư thực hiện TGPL cần rèn luyện kỹ năng và phải có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, tuyệt đối không ký vào biên bản dự cung, đối chất khi không chứng kiến.

Cạnh đó, theo ông Đạt, các trợ giúp viên, các luật sư không được vắng mặt tại phiên xét xử trừ trường hợp bất khả kháng và phải gửi luận cứ và đề nghị công bố bản luận cứ. Khi tham gia tranh luận, bài bào chữa cần ngắn gọn, đi vào trọng tâm, phần xét hỏi không nên nhắc lại các câu hỏi mà HĐXX đã hỏi...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm