Ngày 3-2, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) để thay thế Nghị định 174/2013 (nghị định cũ).
Trong bối cảnh tin giả (fake news) tràn lan trên các trang mạng xã hội, việc Nghị định 15/2020 (nghị định mới) ra đời đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ và chính xác hơn để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.
Một phụ nữ bị xử phạt 10 triệu đồng theo Nghị định 174/2013 vì tung tin thất thiệt về dịch Corona. Ảnh: ĐỖ HOÀNG
Theo Nghị định 15/2020, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân lên đến 100 triệu đồng.
Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung; tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của bộ xác định thuê bao (SIM).
Trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền phải nộp lại trên mỗi SIM được áp dụng theo công thức: 100.000 đồng nhân với số tháng vi phạm, buộc thu hồi tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN), buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền…
Tại Điều 100 của nghị định mới cũng đã quy định về việc xử phạt đối với các đơn vị cung cấp mạng xã hội để xảy ra các hành vi như không có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Ngoài ra là hành vi không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật; chủ động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm…
Đáng chú ý, Nghị định 15/2020 đã có một điều luật riêng (Điều 101) quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Theo đó, một số hành vi phổ biến như cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng…
So với nghị định cũ (gồm 8 chương, 104 điều) thì nghị định mới có 9 chương, 124 điều và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020.