Theo hồ sơ, tối 24-7-2013, anh Phạm Hữu Hòa và một số bạn bè đang ngồi trước cửa nhà thì bị Trần Tiến Đạt cùng ba người bạn cầm dao, cây tầm vông, gạch ống xông đến đuổi đánh.
Từ định gây thương tích đến lấy xe
Nhóm của anh Hòa bỏ chạy, để lại hai chiếc xe máy, trong đó có một chiếc của anh Hòa lúc này chìa khóa còn cắm ở công tắc xe. Nhóm Đạt đuổi theo nhóm của anh Hòa khoảng 10 m nhưng không đuổi kịp nên quay lại.
Lúc này, Đạt trông thấy chiếc xe của anh Hòa có cắm sẵn chìa khóa nên rủ ba người bạn chiếm đoạt xe và tất cả đều đồng ý. Đạt điều khiển xe chở đồng bọn đến điểm kinh doanh dịch vụ Internet gần đó. Tại đây, cả nhóm thông qua Trần Văn Tuấn dẫn đi gặp Trần Quốc Sử bán xe với giá 2 triệu đồng. Khi bán, Đạt và Tuấn có kể lại cho Sử nghe toàn bộ sự việc. Sau khi bán được xe, nhóm này bỏ trốn về An Giang và tiêu xài hết số tiền trên.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Hòa đã đến công an phường trình báo. Sau đó, công an bắt khẩn cấp Tuấn, Sử và ba người bạn của Đạt. Ngày hôm sau, Đạt ra đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Đạt và ba người bạn đã khai nhận nguyên nhân xảy ra vụ việc. Theo họ, tối đó, khi đang ngồi trước nhà thì nhóm của anh Hòa gồm bốn người đi trên hai xe máy chạy ngang rồ ga lớn. Cho rằng bị khiêu khích nên Đạt rủ cả bọn đi đánh nhóm anh Hòa. Khi đi, Đạt cầm dao, một người bạn cầm cây tầm vông, một người khác cầm cục gạch ống, người còn lại không sử dụng hung khí gì. Tất cả cùng đi bộ tìm nhóm của anh Hòa để đánh và sự việc đã xảy ra như đã nêu trên. Tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe máy có giá trị 2,5 triệu đồng theo kết luận định giá.
Cướp hay công nhiên chiếm đoạt?
VKS quận đã truy tố Đạt và ba người bạn cùng tội danh cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự; truy tố Sử và Tuấn về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo khoản 1 Điều 250 BLHS.
Thế nhưng khi hồ sơ được chuyển qua tòa để chuẩn bị xét xử thì TAND quận lại có quan điểm khác về tội danh. Theo tòa, tội danh của Sử và Tuấn đúng nhưng tội danh của Đạt và ba người bạn thì cần phải xem xét lại. Bởi lẽ dấu hiệu thuộc mặt chủ quan, cũng như dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cướp tài sản là ý thức chiếm đoạt tài sản phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, ý thức ban đầu của các bị cáo chỉ là đi gây thương tích cho nhóm của người bị hại.
Tòa phân tích: Khi rượt đuổi gây thương tích không thành, xem như hành vi dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực của các bị cáo đã chấm dứt. Sau đó, các bị cáo quay lại, thấy xe có cắm sẵn chìa khóa mới nảy sinh ý định chiếm đoạt và thực hiện việc chiếm đoạt. Lúc này các bị cáo hoàn toàn không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay bất kỳ thủ đoạn nào… để chiếm đoạt tài sản. Thay vào đó, việc chiếm đoạt tài sản diễn ra một cách công khai và có phần lợi dụng sự không có mặt của người bị hại.
Do đó, nếu truy tố các bị cáo tội danh cướp tài sản thì không phù hợp với các yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp truy tố các bị cáo tội danh chiếm đoạt tài sản khác nhẹ hơn thì dường như chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo. Do cần phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên có thể đề nghị truy tố các bị cáo về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 137 BLHS.
Lập luận của tòa cũng cho rằng trong ngành đang có vụ gây tranh cãi về tội danh tương tự. T. và U. đều là cán bộ xã miền núi. Do có mâu thuẫn cá nhân nên T. nảy sinh ý định giết chết U. Tối đó, T. phục sẵn trên đường U. đi chơi về và dùng súng săn bắn chết U. Sau đó, T. dọn dẹp hiện trường và kéo xác U. đem giấu. Khi về nhà, lo sợ vị trí giấu xác bị lộ, T. quay lại chuyển xác đi giấu chỗ khác kín đáo hơn. Trên đường đi, túi tiền trong đồ của U. rơi ra nên T. lấy đem về. Trong quá trình điều tra, T. khai trong túi có một nhẫn vàng và 6 triệu đồng tiền mặt, tổng cộng là 15 triệu đồng.
Trong việc xét xử T. về tội giết người, các cơ quan tố tụng đều thống nhất. Song việc T. lấy tiền của U. có tội không và tội gì thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho là tội cướp, vì T. đã dùng vũ lực khiến nạn nhân chết, không thể bảo vệ tài sản của mình. Có quan điểm cho là trộm theo Điều 138 BLHS. Lại có quan điểm cho rằng T. đã chiếm giữ tài sản trái phép hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, có quan điểm cho rằng bị cáo này không phạm tội. Vì hành vi lấy tài sản không phù hợp với bất cứ cấu thành tội phạm nào trong BLHS hiện nay.
Tội cướp phù hợp hơn?
Không đồng tình với tòa, VKS phản bác: Đúng là ban đầu các bị cáo chỉ có ý định đi gây thương tích cho nhóm của người bị hại. Tuy nhiên, việc chiếm đoạt tài sản được các bị cáo thực hiện khi những người bị rượt đuổi bỏ chạy vì sợ bị gây thương tích. Lúc này, người bị hại và các bạn của mình không còn khả năng chống cự, tự bảo vệ tài sản của mình. Vì vậy, VKS truy tố bị cáo Đạt cùng ba người bạn tội cướp tài sản là thỏa đáng.
Đồng tình với lý lẽ này, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III - VKSND Tối cao, phân tích: Ban đầu là cố ý gây thương tích. Nhưng việc dùng vũ lực đã khiến nạn nhân bỏ chạy, sau đó lấy tài sản là những hành vi liền kề xâm hại đến hai mối quan hệ được BLHS bảo vệ đó là sức khỏe, tính mạng con người và tài sản. Các bị cáo đã dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người bị hại nên phạm tội cướp tài sản.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng khẳng định việc truy tố tội cướp đối với các bị cáo là chính xác. Vị này cho biết trước đó cũng có một số vụ án giết người vì mục đích không nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau khi nạn nhân chết, bị cáo thấy tài sản trên người họ và lấy mang đi. Các bị cáo trong những vụ án như thế đều bị xử lý thêm về tội cướp tài sản.
HOÀNG YẾN
Phân biệt các tội chiếm đoạt tài sản Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 BLHS có hành vi khách quan đe dọa sẽ dùng vũ lực… là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội cướp tài sản đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì tội cưỡng đoạt tài sản là đe dọa sẽ dùng vũ lực tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe dọa này không có tính nguy hiểm như tội cướp. Người bị đe dọa còn có điều kiện để chống cự lại, có thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản và tội trộm cắp tài sản quy định tại các điều 136, 137, 138 BLHS có hành vi khách quan ban đầu khác nhau. Với tội cướp giật tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản thì là hành vi công khai, người phạm tội không có ý định che giấu hành vi đó. Nhưng ở tội cướp giật tài sản, lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu tài sản, người phạm tội nhanh chóng tiếp cận chủ sở hữu tài sản để chiếm đoạt và lẩn tránh. Còn ở tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản. Đối với tội trộm cắp tài sản thì người phạm tội lén lút chiếm đoạt tài sản. Cần chú ý là trong các trường hợp trên, nếu người phạm tội đang trong giai đoạn chiếm đoạt tài sản như vừa cầm được tài sản trong tay người bị hại thì người bị hại giành giật lại hoặc đang trong lúc giằng co tài sản mà người phạm tội đánh, đấm, đâm, chém… người bị hại để chiếm đoạt bằng được tài sản đó thì lúc này người phạm tội đã dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản và do đó chuyển hóa thành tội cướp tài sản. Trong trường hợp hành vi phạm tội trên đã hoàn thành nhưng do bị phát hiện đuổi bắt mà đánh, chém… người bị hại hoặc người đuổi bắt thì đây chỉ là hành hung để tẩu thoát. Ví dụ: Một người có hành vi trộm cắp tiền của người khác, khi họ vừa móc túi người bị hại, người bị hại giữ được tay họ đang cầm ví tiền, hai người đang giằng co, người phạm tội đấm, đánh người kia, làm họ bỏ tay ra, người phạm tội đút ví tiền vào túi của mình rồi chạy trốn thì trường hợp này tội trộm cắp tài sản đã chuyển hóa thành tội cướp tài sản. Nếu người phạm tội đã lấy được tài sản và bỏ đi một đoạn, người bị hại phát hiện mất trộm nên đuổi theo bắt người phạm tội và bị đánh trả thì vẫn là tội trộm cắp tài sản với tình tiết định khung hình phạt: Hành hung để tẩu thoát quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS. Theo Sổ tay thẩm phán |