Vài ngàn quân nổi dậy Syria được xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh) cùng không quân của liên minh chống IS yểm trợ đã đánh bật IS ra khỏi Jarablus. Đến chiều tối cùng ngày, hình ảnh quân nổi dậy xuất hiện giữa trung tâm Jarablus đã lan truyền trên các mạng xã hội. Thực sự bọn IS đã chạy khỏi Jarablus ngay trước cuộc tấn công.
Chiến dịch hành quân “Lá chắn sông Euphrates” được xem là bước ngoặt trong cuộc chiến ở Syria. Mục tiêu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là IS mà còn nhằm ngăn chặn lực lượng dân quân người Kurd thuộc Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) xây dựng khu tự trị người Kurd ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều trớ trêu là lực lượng người Kurd này lại được Mỹ hậu thuẫn. Trong khi đó đối với Mỹ, dù gì Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đồng minh trong NATO. Bởi thế, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24-8 đã kêu gọi các tay súng người Kurd nên rút về phía bờ đông sông Euphrates, nếu không Mỹ sẽ rút lại hậu thuẫn.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mesut Cavusoglu hăm dọa nếu lực lượng người Kurd không rút về phía đông sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi điều cần thiết. Ngày 25-8, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có quyền can thiệp vào Syria nếu lực lượng người Kurd không rút về phía đông sông Euphrates.
Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố lên án sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Syria. Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lo ngại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm leo thang căng thẳng ở Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại Syria bao lâu? Đây là chiến dịch chớp nhoáng hay chiến dịch dài ngày? Hiện thời chưa có câu trả lời, chỉ biết một điều chắc chắn rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng lại ở Jarablus vì mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là thành lập khu vực an toàn vốn đã được đặt ra từ lâu.
Phát biểu với truyền hình hôm 23-8, Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus đã nhắc lại: “Đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về thiết lập một khu vực an toàn phải được cộng đồng quốc tế xem xét lại”.