Chiến dịch sức khỏe học đường lớn nhất từ trước tới nay

Ngày 10-2, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Lễ công bố được thực hiện trực tuyến đến 63 điểm cầu trên phạm vi cả nước, có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng bộ trưởng các bộ, ngành liên quan.

Triển khai chương trình bằng cả tấm lòng

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác đảm bảo sức khỏe cho học sinh (HS) không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn của cộng đồng, xã hội và toàn hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là hai ngành giáo dục và y tế.

Trong những năm qua, hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HS, thế hệ tương lai của đất nước, bước đầu đã đi vào nề nếp và ngày càng có chất lượng. Điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe trẻ em, HS đã được cải thiện đáng kể.

Công bố chương trình sức khỏe học đường lớn nhất từ trước tới nay. Ảnh: TP
Dự kiến hơn 22 triệu trẻ em, HS (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Điều này sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn dành cho công tác điều trị, giảm bớt gánh nặng của bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi. 

Điển hình, tính đến năm 2020, chiều cao trung bình của người Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều (nam 1,68 m, tăng 4,4 cm so với 20 năm trước; nữ 1,56 m, tăng 3,6 cm so với 20 năm trước). Đây là nỗ lực rất lớn từ sự đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay nâng cao sức khỏe người Việt suốt thời gian qua.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng vẫn còn rất nhiều thách thức như gia tăng gánh nặng học tập, ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh nhiều bệnh tật (suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, thể lực kém...), bạo lực học đường gia tăng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại... Đặc biệt, không ít HS gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, thậm chí có em tìm đến giải pháp tiêu cực là tự tử. “Tất cả chúng ta phải trăn trở, suy ngẫm sâu xa hơn về vấn đề này. Mỗi người, mỗi cơ quan đều phải có trách nhiệm…” - Thủ tướng nói.

Cùng với đó, mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho HS. Các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo còn thiếu trường học, các điểm trường quy hoạch thiếu hợp lý, chưa đủ điều kiện tổ chức học bán trú…, ảnh hưởng tới chất lượng học tập của HS.

Từ thực tiễn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2-10-2021 phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị triển khai chương trình theo chức năng, quyền hạn tương ứng, “bằng cả tấm lòng của mình”.

Mục tiêu cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi

Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, HS thông qua duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, HS trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Chương trình xác định năm nhóm nội dung và bảy nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, HS; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căn tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình sữa học đường quốc gia…; 100% HS được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng chống bệnh tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn…

Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, HS trên cả nước, tránh sự trùng lặp, triển khai chồng chéo.

Cần đổi mới tư duy trong công tác giáo dục

Thủ tướng lưu ý cần phải đổi mới tư duy trong công tác giáo dục. Hiện nay, chương trình đào tạo còn nặng về kiến thức, thiếu kỹ năng sống, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và gây áp lực cho trẻ. Thủ tướng lấy ví dụ về các trường hợp từ Việt Nam ra nước ngoài học tập, trong những năm đầu về kiến thức cơ bản thì HS của Việt Nam “không thua nước nào” nhưng đến khi đào tạo chuyên ngành thì “bắt đầu thua”. Lý do bởi năng lực, phẩm chất của HS các nước được đào tạo từ rất sớm, cấp I, tiểu học rồi THCS… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm