Chiến lược Bắc Kinh nhằm ứng phó nguy cơ thương chiến Mỹ-Trung 2.0

(PLO)- Trước nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung với sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Trung Quốc đang xây dựng sách lược để ứng phó.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ cùng với lời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã làm dấy lên nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai cường quốc.

Dựa trên những bài học từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, phía Bắc Kinh đang chuẩn bị sách lược để ứng phó các chính sách cứng rắn từ Washington, bao gồm tìm cách tích lũy các con bài mặc cả để đưa chính quyền mới của Mỹ vào bàn đàm phán.

Nguy cơ cuộc chiến thương mại 2.0

Theo tờ New York Times, từ chiến dịch tranh cử tổng thống đến việc bổ nhiệm nội các, ông Trump đã làm rõ rằng một cuộc đối đầu với Trung Quốc về thương mại và công nghệ là điều không thể tránh khỏi. Ông Trump cảnh báo một khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn – thêm 10% so với các mức thuế hiện tại.

Ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo rằng cả Bắc Kinh và Washington đều không thắng nếu xảy ra chiến tranh thương mại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump hồi năm 2017. Ảnh: GETTY IMAGES

Căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã leo thang ngay cả khi ông Trump chưa nhậm chức. Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc điều tra theo quy định đối với công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ là Nvidia, theo tờ China Daily. Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ đưa một nhà sản xuất hàng may mặc lớn của Mỹ vào danh sách đen, chặn xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ và siết chặt chuỗi cung ứng thiết bị bay không người lái (UAV).

Trước đó, ngày 3-12, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng có mục đích lưỡng dụng sang Mỹ để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, theo China Daily. Các biện pháp bao gồm lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng cho quân đội Mỹ hoặc cho mục đích quân sự, bên cạnh việc siết chặt các quy định về xuất khẩu các vật liệu như gallium, germanium, antimony, vật liệu siêu cứng và các sản phẩm liên quan than chì.

Trung Quốc có phản ứng trên sau khi Mỹ hôm 2-12 tung đòn trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua đối với ngành bán dẫn Trung Quốc, gồm áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 140 công ty của Bắc Kinh, cùng với các biện pháp bổ sung khác, theo hãng tin Reuters. Các biện pháp này nhằm kìm hãm tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm kiểm soát xuất khẩu chip nhớ tiên tiến, các thiết bị sản xuất chip quan trọng, và siết chặt việc xuất khẩu thiết bị từ các nước thứ ba.

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong tháng này ám chỉ những gì có thể xảy ra trong tương lai nếu ông Trump thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc khi ông trở lại Nhà Trắng, theo tờ Financial Times.

Bắc Kinh đã mất hai năm trước khi đồng ý mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, theo các điều khoản của thỏa thuận "Giai đoạn một" kết thúc cuộc chiến thương mại đầu tiên giữa hai nước. Lần này, Trung Quốc có những con bài mới để đưa ra, chẳng hạn như tăng cường mua dầu và khí tự nhiên hóa lỏng, khi mà Mỹ hiện đang sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ, theo hãng tin Reuters.

Trung Quốc sẵn sàng ứng phó

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc chủ yếu thực hiện các biện pháp mang tính biểu tượng và tương đương sau các mức thuế và hạn chế thương mại của Mỹ, để gây tác động đến nền kinh tế của Washington. Tuy nhiên lần này, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có khả năng leo thang phản ứng và có thể nhắm vào các biện pháp đối phó mang tính quyết liệt và có mục tiêu vào các công ty Mỹ, theo New York Times.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi năm 2017. Ảnh: REUTERS

"Trong cuộc chiến thương mại đầu tiên, Bắc Kinh khá cẩn thận trong việc đáp trả các mức thuế mà Mỹ áp đặt. Bây giờ họ đang báo hiệu sự chấp nhận và sẵn sàng gây áp lực. Rõ ràng Bắc Kinh không muốn ngồi yên và quan sát khi các đợt thuế quan mới đáng kể xuất hiện” - ông Jude Blanchette, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.

Trung Quốc đã có thời gian để chuẩn bị. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các quan chức ở Bắc Kinh đã bắt đầu soạn thảo các luật để đối phó các chiến thuật của Mỹ như tạo ra danh sách đen và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ, cắt đứt họ khỏi các nguồn tài nguyên thiết yếu. Mục tiêu là sử dụng vị thế của Trung Quốc như là "công xưởng sản xuất" của thế giới để trừng phạt.

Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã tạo ra “danh sách thực thể không đáng tin cậy" để trừng phạt các công ty làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, ban hành các quy định để trừng phạt các công ty tuân thủ các hạn chế của Mỹ và mở rộng các luật kiểm soát xuất khẩu. Động thái này bắt nguồn từ các hành động mà Bộ Thương mại Mỹ đã đối xử với công ty Huawei Technologies của Trung Quốc trước đây.

Ngoài ra, Trung Quốc đang chuyển hướng sang các nguồn sức mạnh bất đối xứng khác để đáp trả Mỹ, chẳng hạn lợi thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng UAV và sản xuất một số khoáng sản quan trọng đóng vai trò chủ chốt trong chất bán dẫn, pin và thiết bị quốc phòng, theo tờ The Wall Street Journal.

Nhìn chung, chiến lược trên đánh dấu một sự chuyển hướng có tính toán của Trung Quốc để đối phó với các chính sách cứng rắn tiềm tàng của ông Trump khi ông nhậm chức vào tháng sau. Hậu quả có thể gây gián đoạn đáng kể hoạt động của các công ty Mỹ. Điều đó làm tăng mức độ rủi ro cho các doanh nghiệp và nền kinh tế khi chính quyền mới của Mỹ chuẩn bị cho đòn tấn công đầu tiên trong một cuộc chiến thương mại mới có thể trở nên khốc liệt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuyên gia Trung Quốc nêu hai vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung

Một bài bình luận đăng trên tờ China Daily hôm 16-12 nhận định rằng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc là một con đường hai chiều. Trong khi Trung Quốc có lý do để phản ứng với những lo ngại chính đáng của Mỹ một cách nhanh chóng, thì sẽ lý tưởng hơn nếu Washington cũng giải quyết các yêu cầu hợp lý của Trung Quốc như vậy.

Mối quan tâm an ninh quốc gia đầu tiên và quan trọng nhất của Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đến Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tăng cường hỗ trợ chính trị và quân sự cho Đài Loan. Điều này đã thách thức nghiêm trọng nền tảng bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Mối lo ngại khác của Trung Quốc là sự gián đoạn của Mỹ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ đầu đã bắt đầu "tách rời" với Trung Quốc, trong khi chính quyền ông Biden mở rộng chiều rộng và chiều sâu của chiến lược "giảm thiểu rủi ro" với Trung Quốc.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại Trung-Mỹ có thể không nhất thiết phải ảm ​​đạm trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Bắc Kinh và Washington có thể giải quyết hợp lý vấn đề về fentanyl và thực hiện Thỏa thuận kinh tế và thương mại Trung-Mỹ giai đoạn một một cách hợp tác để tránh một cuộc chiến thương mại mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới