Chiến lược hòa bình chủ động của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang bắt đầu thành hình với một số thay đổi gần đây trong chính sách an ninh quốc gia. Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 14-7 nhận định như trên.
Sự kiện Nhật thay đổi cách giải thích hiến pháp sẽ cho phép lực lượng phòng vệ Nhật tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ và hỗ trợ quân đội các nước đồng minh với Nhật bị tấn công.
Báo Asahi Shimbun cho rằng bên cạnh đó cũng cần nhận thấy Nhật đang đẩy mạnh quan hệ với các nước Nam Á, Đông Nam Á và Úc còn nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc (TQ).
Thủ tướng Shinzo Abe hiểu rằng tăng cường quan hệ với Ấn Độ (đối thủ truyền thống của TQ) là một cách giúp Nhật gia tăng áp lực với TQ.
Binh sĩ Nhật tập trận đổ bộ lên đảo Eniyabanare (tỉnh Kagoshima) ngày 22-5. Ảnh: REUTERS
Dự kiến vào cuối tháng 8, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Nhật. Trọng tâm của cuộc gặp này là thảo luận về tăng cường quan hệ quốc phòng hai bên. Từ năm 2012 đến nay, lực lượng phòng vệ Nhật và hải quân Ấn Độ đã cùng tham gia nhiều cuộc tập trận chung.
Tàu chở dầu từ Trung Đông đến Nhật phải đi qua Ấn Độ Dương và biển Đông. Bởi thế đối với Nhật, Ấn Độ là nhân tố quan trọng bảo vệ tuyến đường biển này. Một trong những lý do Thủ tướng Shinzo Abe dẫn ra để bảo vệ quyết định thay đổi cách giải thích hiến pháp là chỉ ra sự cần thiết phải bảo vệ các tuyến đường biển trọng yếu này.
TQ đang tăng cường hỗ trợ hai quốc gia Nam Á Bangladesh và Sri Lanka để xây dựng thế đối trọng với Ấn Độ.
Trong tháng 9, dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đến thăm Bangladesh và Sri Lanka với hy vọng sẽ làm thay đổi hiện trạng quan hệ giữa hai nước này với TQ. Có thể hai nước này sẽ trở thành các ứng viên hàng đầu tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ ODA của Nhật sau khi Nhật sửa đổi xong hiến chương hỗ trợ phát triển chính thức.
Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong tăng cường quan hệ quốc phòng với New Zealand và Úc trong hai chuyến thăm hồi đầu tháng 7. Nhật và Úc đang soạn thảo các chính sách hỗ trợ an ninh quốc gia khu vực Đông Nam Á. Viện trợ ODA sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nỗ lực này.
Sự kiện Nhật dỡ bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí đã mở cánh cửa hợp tác phát triển công nghệ quốc phòng lớn hơn cho Nhật. Để giảm lệ thuộc vào Mỹ, Nhật đang tìm cách tăng cường quan hệ với các sức mạnh quân sự châu Âu như Anh và Pháp.
Pháp đang mở rộng xuất khẩu vũ khí sang TQ và Nga, vì thế một khi Nhật tăng cường quan hệ với Pháp, Nhật cũng sẽ tạo tác động đến hai nước này.
Tuy thế, báo Asahi Shimbun vẫn lo ngại ảnh hưởng tiêu cực có thể có của chiến lược này.
Trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang rất xấu, chiến lược hòa bình chủ động của Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á. Ngoài ra, điều kiện ngân sách của Nhật cũng khó kham nổi.
Điều khá rủi ro là Nhật không giới hạn nước nào nhập khẩu vũ khí Nhật hay loại vũ khí nào không được phép xuất khẩu.
ĐĂNG KHOA
Ba bước trong chiến lược hòa bình chủ động của Thủ tướng Shinzo Abe gồm: Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hồi đầu tháng 4; ngày 1-7, nội các Nhật thông qua nghị quyết về thay đổi cách giải thích hiến pháp (điều 9) để thực thi quyền phòng vệ tập thể; dự kiến cuối năm nay Nhật sẽ sửa đổi hiến chương hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm cho phép Nhật tài trợ cho các lực lượng quân sự làm nhiệm vụ cứu trợ thảm họa hoặc các hoạt động phi quốc phòng khác. |