Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020)

Chiến sĩ ‘Trung đoàn thép’: Thà hy sinh, quyết không hàng!

Mùa hè đỏ lửa năm 1965, Quảng Ngãi nóng như rang. Nằm trong hầm nghỉ ngơi trước trận đánh, hai chiến sĩ trẻ Trần Văn Tần và Phạm Ngọc Mân (Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5) trằn trọc, bồn chồn không yên.

Nghe tiếng máy bay địch gầm rú phía xa, Mân quay sang nói với người bạn thân: “Tần ơi, sau này hòa bình rồi, liệu tau và mi còn gặp lại nhau nữa không?”. “Trời, mi nghĩ linh tinh chi rứa. Tranh thủ ngủ đi, mai còn có sức chiến đấu” - Tần trách bạn gở miệng rồi trở mình, nằm quay lưng lại phía bạn. Đêm hôm ấy, hai người họ chẳng thể chợp mắt vì linh tính mách bảo về một điều chẳng lành. Hôm sau, Mân ngã xuống ở tuổi đôi mươi trong một trận đánh ác liệt.

Thà hy sinh chứ nhất quyết không đầu hàng

“Chiến tranh khốc liệt, bom đạn nào chừa ai nên chuyện nay sống mai chết là bình thường. Khi vào trận, chúng tôi luôn xác định sẽ hy sinh bất cứ lúc nào. Có lẽ vì thế mà linh cảm của người lính thời ấy về cái chết thường rất chính xác. Mãi hơn 30 năm sau tôi mới tìm được Mân để thắp cho ông ấy nén nhang” - lật giở những tấm ảnh cũ, ông Tần (năm nay đã bước vào tuổi 75) bồi hồi nhớ.

Chàng thanh niên Trần Văn Tần vốn tham gia hoạt động chính trị tại Biệt khu đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau khi bị địch bắt và tuyên phạt một năm tù treo (tháng 10-1964), ông trốn khỏi Sài Gòn, tiếp tục chiến đấu và trở thành chiến sĩ của Đại đội 12 ly 8 thuộc Trung đoàn Ba Gia năm 1965. Tham gia nhiều trận đánh ác liệt, gian khổ, bao lần ông Tần tưởng cầm chắc cái chết nhưng nhờ đồng đội bảo vệ, nhờ nhân dân cưu mang mà ông đã may mắn sống sót. Và trận đánh Khánh Thượng có lẽ là ký ức, là nỗi đau ám ảnh người lính già đến mãi sau này.

Ông Tần kể ngày 1-4-1966, trung đoàn hành quân ra Quảng Nam sau thời gian dài ở Quảng Ngãi. Đến thôn Khánh Thượng (nay là xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) thì đơn vị hỏa lực của ông tạm nghỉ, bộ đội bố trí ở trong nhà dân. Tuy nhiên, thông tin địa điểm đóng quân của đơn vị đã bị lọt vào tai địch.

Khoảng 1 giờ sáng, địch dội pháo dồn dập, phía trên máy bay ào ạt ném bom vào các vị trí được chỉ điểm. Tiếp đó, một tiểu đoàn của địch cũng tấn công đơn vị. Bị tấn công bất ngờ nhưng bộ đội đã chiến đấu cảm tử, tiêu diệt nhiều sinh lực địch khiến họ phải co cụm, chờ tiếp viện.

“Đơn vị hy sinh gần hết. Tôi bị một viên đạn xuyên ngực, máu chảy ròng ròng. Thấy vậy, anh Mười (Đại đội phó Đại đội 12 ly 8 - PV) kêu tôi tìm chỗ nằm rồi ra lệnh tiếp tục chiến đấu. Tôi ráng lết đến một cái hầm của dân thì ngất xỉu, không biết gì nữa” - ông Tần kể.

Chiều hôm đó, ông Tần tỉnh lại thì thấy hai đồng đội khác là ông Nha (quê Hiệp Đức) và ông Toại (quê Thăng Bình, Quảng Nam) bị thương rất nặng. Cả ba không còn một viên đạn nên xác định cùng nhau hy sinh nếu địch phát hiện, chứ nhất quyết không chịu đầu hàng. Lát sau, có hai lính Mỹ tiến về phía họ rồi liên tiếp xả súng khiến ông Nha và ông Toại hy sinh. Ông Tần nằm trong hầm nên thoát chết.

“Sau đó, tôi được bà con phát hiện và dìu về trạm gác. Họ đổ nước đường vào miệng nhưng tôi dần lịm đi do bị mất quá nhiều máu. Người ta tưởng tôi đã hy sinh nên bảo nhau mang đi chôn. May thay, anh Quang (anh họ ông Tần - PV) chạy đến áp tai vào ngực, thấy tôi vẫn còn thoi thóp nên đưa đi trạm xá phẫu thuật. Nhờ thế mà tôi may mắn sống sót lần thứ ba và tiếp tục chiến đấu” - ông Tần xúc động.

Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Hữu Long (nguyên là quân y Trung đoàn Ba Gia) cũng bồi hồi khi nghe đồng đội kể về trận Khánh Thượng. Ông bảo do có người chỉ điểm nên địch bao vây, tấn công quá bất ngờ trong khi lực lượng bộ binh của ta đang ở xa, không chi viện kịp. Đến khi ta tổ chức đánh giải vây thì chúng lập tức rút quân.

Ông Trần Văn Tần nhớ lại trận chiến tại Khánh Thượng năm xưa. Ảnh: T.AN

Vợ chồng ông Trần Văn Tần tìm về chiến trường xưa và thắp nhang cho những đồng đội đã hy sinh. Ảnh: TƯ LIỆU

Đi tìm đồng đội và ngày giỗ chung tháng 7

Trong khói lửa chiến tranh, những người lính Ba Gia trải qua biết bao gian khổ, thiếu thốn, có khi phải chia nhau từng vắt cơm, mẩu lương khô bé tẹo, thậm chí ăn lá rừng để có sức chiến đấu. Cũng chính năm tháng gian nan ấy, họ đã để lại bao câu chuyện đẹp về tình người ngay cả với phía địch ở chiến trường.

Ông Tần kể rằng có lần đang chuẩn bị hành quân thì ông phát hiện một người lính phía địch từ dưới suối chui lên, trên người chỉ mặc mỗi đồ lót. Người này giơ tay hàng rồi khẩn khoản xin đồ ăn và nói nằm chờ cứu viện nhưng mãi không thấy. “10 ngày rồi em chưa có gì bỏ bụng. Em đói quá, em xin hàng!” - giọng người này rệu rã. Thương tình, ông đã chia cho người lính đó nửa vắt cơm và anh ta ăn một cách ngon lành.

Dù quen với bom đạn, chết chóc nhưng khung cảnh của trận đánh Khánh Thượng ngày hôm ấy luôn khiến tôi ám ảnh. Chúng tôi cùng bà con tìm kiếm những người còn sống và chôn cất những đồng đội đã hy sinh nhưng làm không xuể vì hy sinh nhiều quá.

Ông NGUYỄN HỮU LONG, nguyên là quân y Trung đoàn Ba Gia 

Theo những người lính Ba Gia, truyền thống khoan dung, nhân nghĩa và tính chính nghĩa là một trong những yếu tố giúp chúng ta có được sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.

Sau giải phóng miền Nam, ông Tần còn làm nhiệm vụ tại Campuchia 10 năm trước khi về làm chủ nhiệm hậu cần Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1993, ông về hưu và bắt đầu hành trình đi tìm những đồng đội nằm lại chiến trường. Năm 2008, ông vận động anh em, bạn bè, đồng đội số tiền 40 triệu đồng để xây dựng bia tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến Khánh Thượng năm xưa. Ông và gia đình cũng thường tổ chức giỗ chung cho những đồng đội không còn người thân vào tháng 7 hằng năm.

Trung đoàn thép và những trận đánh làm địch khiếp vía

Trung đoàn Ba Gia được thành lập ngày 20-11-1963, là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung đoàn đã tham gia tác chiến hàng ngàn trận lớn nhỏ và lập nên nhiều chiến công vang dội như trận Ba Gia, Vạn Tường, Hội Đức, Đồng Dương, Đường 9 Nam Lào. Đặc biệt là trận Đồi tranh Quang Thạnh 1967 (thuộc xã Sơn Kim, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), đánh vào cứ điểm quân sự của liên quân Mỹ - Nam Triều Tiên.

Cứ điểm này do Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh và một đại đội của Lữ đoàn Mãnh Hổ khét tiếng tàn bạo chốt giữ. Kết thúc trận đánh, Đồi tranh Quang Thạnh bị tiêu diệt, quân địch đóng ở Khánh Mỹ, Hòn Ngang, Hòn Dọc hốt hoảng bỏ chạy.

Sau những chiến công này, trung đoàn được mệnh danh là “Trung đoàn thép”, còn lính Mỹ thì gọi đơn vị là “Đệ nhất trung đoàn tinh luyện Việt Cộng”. Trong thời gian 1972-1979, đơn vị đã ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới