Hiện có chín nước thành viên WTO gồm Canada, Trung Quốc (TQ), Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn khiếu nại lệnh đánh thuế nhôm, thép của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mới đây, TQ, EU đã yêu cầu WTO điều tra quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc đánh thuế nhôm, thép với các nước dựa trên lý do an ninh quốc gia. Nguy cơ một vụ kiện thương mại đình đám chính thức có thể xảy ra.
Đến lúc đệ đơn lên WTO chống Mỹ
Giới quan sát bình luận rằng động thái của TQ và EU trong việc kiện Mỹ ra WTO có thể khiến Washington “nổi giận” và rút khỏi tổ chức này, hoặc Nhà Trắng tiếp tục ban hành các biện pháp bảo hộ tiếp theo dựa trên lý do “an ninh quốc gia” - yếu tố xưa nay vốn rất hiếm khi được Mỹ dùng để làm cơ sở tấn công thương mại các nước khác, nhưng xét cho cùng vẫn là một vấn đề gây tranh cãi chiếu theo các quy định về thương mại toàn cầu.
Tổng thống Mỹ đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, một số sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Washington lý giải rằng các khoản thuế nhôm, thép hoàn toàn hợp pháp theo quy định miễn trừ an ninh quốc gia của WTO, cho phép chính phủ tất cả quốc gia thành viên WTO “tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh quan trọng của đất nước”.
Lập luận này nhanh chóng khiến các quốc gia nằm trong tầm ngắm của Mỹ trở nên nổi giận. Dù vậy, nhiều tháng qua, các nước đã tỏ ra “kiềm chế” để không đưa vụ việc ra WTO, ngoại trừ TQ nhiều lần phản đối tại tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này. Tuy nhiên, hôm thứ Năm (18-10), Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Ine Eriksen Soreide phát biểu nước này và các quốc gia khác đã chọn cách yêu cầu thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp tại WTO. “Chúng tôi tin rằng các biện pháp đánh thuế của Mỹ nhằm vào nhôm, thép đã vi phạm luật WTO” - nữ bộ trưởng khẳng định. Phát ngôn viên của đại diện thương mại Mỹ vẫn chưa có phản hồi, trong khi người phát ngôn của WTO từ chối bình luận về ý kiến của lãnh đạo ngoại giao Na Uy.
Cuộc chiến thương mại ông Trump phát động đặt WTO vào thế khó. Ảnh: AP
Thế khó cho WTO
Cuộc xung đột giữa Mỹ và nhóm các nước bao gồm EU, TQ đặt WTO vào thế khó. Nếu WTO tuyên bố ủng hộ các quyết định của Mỹ, đây sẽ là tiền lệ trái ngược với tôn chỉ của tổ chức này - thúc đẩy tự do thương mại. Bởi lẽ các quốc gia khác sẽ dựa vào đây để tiến hành các biện pháp chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm các rào cản thuế quan để ngăn cản thương mại tự do dựa vào lớp “vỏ bọc” gọi là bảo vệ an ninh quốc gia.
Nhưng nếu WTO làm ngược lại, việc chống đối quyết định của Washington có thể khiến cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới nổi giận và rút khỏi WTO. Nguy cơ này hoàn toàn khả dĩ khi gần đây Mỹ đã tuyên bố rút khỏi hàng loạt cơ chế đa phương được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, bao gồm Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Yêu cầu của EU, TQ sẽ được cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO xem xét vào cuộc họp kế tiếp, dự kiến diễn ra vào ngày 29-10. Theo BLOOMBERG |
Hôm 30-8, ông Trump phát biểu “Nếu WTO cải thiện, đây sẽ là tín hiệu phát triển đáng mừng. Nếu họ không cải thiện, tôi sẽ rút (Mỹ) khỏi WTO”. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Mỹ gặp nhiều bất lợi với việc bị WTO đối xử “rất tồi tệ” trong nhiều năm, đồng thời cho rằng tổ chức này nên “thay đổi phương pháp”. Washington nhiều lần cho rằng việc WTO đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận tuyệt đối, đồng thời WTO không có khả năng giải quyết các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đều khiến Mỹ chịu thiệt thòi. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo ngay sau đó đã “trấn an” Mỹ, khẳng định WTO mong muốn đối thoại với Washington nhằm giải quyết những mâu thuẫn, hướng đến những thay đổi tích cực.
Việc TQ, EU yêu cầu thành lập hội đồng giải quyết tranh chấp tại WTO nhằm vào Mỹ cho thấy chưa có triển vọng giải quyết mâu thuẫn. Phó đại diện thương mại Mỹ Dennis Shea mới đây nói “kết quả tồi tệ nhất đối với WTO” xảy ra nếu hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO quyết định đâu là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay bất kỳ nước nào khác. Nghĩa là một kết luận trái với quan điểm của Mỹ về khái niệm “an ninh quốc gia” từ WTO chắc chắn không được Mỹ chấp nhận.
Từ nhôm, thép đến ô tô Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra nhằm xác định việc nhập khẩu ô tô, phụ tùng ô tô hiện nay từ các nước có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ hay không. Cuộc điều tra này không khác những gì ông Trump triển khai khi đánh thuế nhôm, thép. Nếu WTO cho rằng Mỹ “có quyền áp thuế bảo vệ an ninh quốc gia” thì sau nhôm, thép, rất có thể ông Trump sẽ thừa thắng tiến đến lĩnh vực nhập khẩu ô tô. |