Chính biến Syria tác động thế nào đến các bên và khu vực?

(PLO)- Chuyên gia cho rằng chính biến Syria với sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad có thể sẽ thay đổi bản đồ và cán cân quyền lực ở Trung Đông và xa hơn nữa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, lực lượng đối lập Syria tiến về thủ đô Damascus và lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ hơn một tuần sau khi lực lượng này phát động tấn công vào TP đầu tiên.

Sau khi lật đổ chính phủ, liên minh đối lập do tổ chức Hồi giáo vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu cho biết sẽ bắt đầu quá trình tiếp quản quyền lực.

Hiện tại, lực lượng đối lập đang nỗ lực bảo vệ thủ đô và ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn trong bối cảnh đang có khoảng trống quyền lực. Dù chưa rõ liên minh sẽ mở rộng quyền kiểm soát đến đâu, nhưng chính biến Syria được sự đoán sẽ có tác động đến các bên ở Syria cũng như đến tình hình Trung Đông.

Chính biến Syria tác động thế nào đến các bên và khu vực?
Lực lượng đối lập Syria ăn mừng tại thủ đô Damascus (Syria) sau khi tuyên bố lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 8-12. Ảnh: REUTERS

Tác động với các bên có hiện diện ở Syria

Theo tờ The Conversasion, Iran, Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là những nhân tố chủ chốt trong suốt cuộc nội chiến ở Syria nhiều năm qua.

Đối với Iran, sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad khiến chiến lược lớn của Iran nhằm duy trì “Vành đai Shia” kết nối Tehran tới các thủ đô Beirut (Lebonon), Baghdad (Iraq) và Damascus (Syria) để đối phó với các phe phái Hồi giáo Sunni gần như thất bại.

“Khoản đầu tư của Iran vào Syria rất đáng kể, đây là cầu nối đất liền quan trọng với Lebanon, đồng thời liên minh giữa Iran và gia đình ông al-Assad cũng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của Tehran” - chuyên gia Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành của Viện Quincy (Mỹ), nói với đài CNN.

Chuyên gia này cũng cho rằng Iran muốn sử dụng lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. “Nếu Iran mất quá nhiều vị thế trong khu vực, liệu họ có quá yếu để đàm phán không? Nhưng nếu họ phản công để cố gắng giữ lại càng nhiều vị thế càng tốt, liệu họ có nguy cơ leo thang chiến tranh đến mức không thể giải quyết bằng ngoại giao?” - ông Parsi nêu quan điểm.

Tương tự như Iran, việc chính quyền Syria sụp đổ là mất mát lớn đối với khoản đầu tư đáng kể của Nga vào chính quyền này, đồng thời làm suy yếu chỗ đứng của Moscow ở Địa Trung Hải.

Theo ông R. Clarke Cooper - thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, Nga hiện có thể phải đối mặt với nguy cơ mất một căn cứ hải quân nước ấm cũng như một căn cứ không quân tại Syria. “Thiệt hại đối với khả năng cơ động của Moscow ở Châu Phi và Địa Trung Hải có thể có tác động chiến lược đến ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới” - ông Cooper nói thêm.

Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng đối với Nga là sự sụp đổ của chính quyền Syria hiện nay không thay thế bằng một chính quyền thân phương Tây. Ngoài ra, các mối quan hệ tốt đẹp mà Moscow duy trì với các chính phủ Ả Rập khác không bị ảnh hưởng.

Còn với Mỹ, nhà phân tích người Syria Qutaiba Idlbi cho rằng diễn biến ở Syria mang lại cho Washington cơ hội kiềm chế Iran và giảm sức mạnh của Nga ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nguy cơ bất ổn kéo dài, khiến các tổ chức khủng bố mà Mỹ đặt mục tiêu loại trừ có thể tận dụng thời cơ để gây bất ổn.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là quốc gia láng giềng hiếm hoi hưởng lợi sau sự kiện ở Syria vì Ankara thường xuyên bị cáo buộc là nhà tài trợ chính cho các nhóm đối lập muốn lật đổ ông al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.

Chính biến Syria có thể sẽ giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan thúc đẩy chương trình nghị sự, bao gồm việc kiềm chế những người ly khai người Kurd ở đông bắc Syria. Việc tái thiết Syria cũng mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, theo tờ Politico.

Sáng sớm 9-12 (giờ địa phương), có một vụ không kích xảy ra tại thủ đô Damascus (Syria) nhưng chưa rõ bên nào đứng sau vụ việc, theo đài CNN.

chinh-bien-syria-tac-dong-the-nao-den-cac-ben-va-khu-vuc (2).jpg
Một chiếc xe tăng xuất hiện tại thủ đô Damascus (Syria) sau chính biến Syria ngày 8-12. Ảnh: REUTERS

Tác động đối với khu vực

Theo giới quan sát, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad có thể thay đổi bản đồ và cán cân quyền lực ở Trung Đông và xa hơn nữa.

Như đã đề cập, diễn biến ở Syria có thể sẽ khiến tầm ảnh hưởng của Iran và trục kháng chiến của Tehran giảm đáng kể.

Trong trường hợp quân nổi dậy Syria tiếp cận được biên giới Lebanon, tuyến đường hậu cần và tiếp tế quan trọng cho nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) từ Iran - đi qua Syria và Iraq - có thể bị cắt đứt. Lebanon có thể có lợi từ nội chiến Syria nếu Beirut tận dụng được cơ hội loại bỏ ảnh hưởng của Hezbollah.

Do lực lượng thân Iran ở Syria và Lebanon suy yếu, Tehran có thể dồn sức ủng hộ nhóm vũ trang Houthis (Yemen). Tuy nhiên, khả năng của Iran trong việc cung cấp tài nguyên cho Houthis có thể chịu ảnh hưởng do những gián đoạn trong các tuyến tiếp tế đi qua Syria, Iraq và Lebanon.

“Ngoài ra, lực lượng chính phủ Yemen và các đồng minh khu vực có thể lấy cảm hứng từ thành công của phe nổi dậy Syria để khởi xướng một nỗ lực quân sự mới nhằm đẩy lùi Houthis ra khỏi Yemen. Điều này có thể khiến cuộc chiến tại Yemen bùng phát trở lại sau gần ba năm tương đối yên bình” - theo chuyên gia Emily Milliken thuộc Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương.

Israel là quốc gia có thể hưởng lợi từ những tác động của nội chiến Syria đến Iran và trục kháng chiến. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính phủ ông al-Assad cũng khiến Israel rơi vào thế khó vì không rõ chính phủ tiếp theo sẽ có thái độ thế nào với Tel Aviv.

Thực tế là dù Tổng thống al-Assad coi Israel là kẻ thù, ông không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Tel Aviv và đã chọn không đáp trả các cuộc tấn công thường xuyên của Israel vào Syria trong năm qua.

Còn với các nước vùng Vịnh, một số nước đã cho rằng chính quyền ông al-Assad sẽ tồn tại lâu dài và chào đón nhà lãnh đạo này và Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập.

Trong khi Qatar có thể sẵn sàng cung cấp tài chính cho bất kỳ chính phủ mới nào ở Damascus, thì những lo ngại lâu dài của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia về các chính phủ do lực lượng Hồi giáo lãnh đạo, cùng với sự ngần ngại khi phải cấp tiền miễn phí thay vì đầu tư vào các quốc gia, có thể khiến cả hai phải chờ xem lãnh đạo thực sự sẽ xuất hiện như thế nào ở Syria.

Đối với chính bản thân Syria, vẫn còn quá sớm để biết liệu việc loạt diễn biến vừa qua có mang lại sự thịnh vượng hơn cho người dân Syria và an ninh cho khu vực hay không. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cuối cùng, người dân Syria sẽ quyết định tương lai đất nước.

Nếu Israel, các quốc gia vùng Vịnh và những nước khác trong khu vực sáng suốt, các nước sẽ biết tận dụng thời điểm này như một cơ hội để định hình tương lai khu vực, thay vì chỉ phản ứng một cách bị động, theo Hội đồng Đại Tây Dương.

Phe đối lập Syria kiểm soát thành phố Tartus, nơi có căn cứ của Nga

Hãng thông tấn TASS ngày 9-12 dẫn một nguồn tin địa phương rằng phe đối lập Syria đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga.

Theo nguồn tin, các đơn vị vũ trang đã tiến vào các TP Tartus và Jableh sau khi phe đối lập tuyên bố lật đổ Tổng thống al-Assad. Nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng các thành viên phe đối lập chưa xâm nhập vào các căn cứ của Nga tại Tartus và Hmeimim.

“Hôm qua, phe đối lập đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, bao gồm các TP Tartus và Jableh. Lực lượng vũ trang của phe đối lập không và không có kế hoạch xâm nhập vào các căn cứ quân sự của Nga” - nguồn tin nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm