Chính phủ đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với người bị bệnh hiểm nghèo

(PLO)- Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT).

Bỏ thủ tục chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay dự án luật quy định một số giải pháp thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ. Cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dự thảo luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỉ lệ hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành.

Đáng chú ý, dự thảo luật bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.

Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để đồng bộ với quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quy định trong dự thảo nhằm đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng phân cấp, phân quyền cho sở y tế xác định cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, đồng thời phân bổ thẻ BHYT phù hợp với thực tế địa phương trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo khoản 1 Điều 26 dự thảo luật, “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản, chuyên sâu đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí về khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu”.

Loại bỏ nguy cơ tạo cơ chế xin - cho

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, Thường trực Ủy ban này đề nghị giữ tinh thần của luật hiện hành về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Theo đó, chỉ trong một số trường hợp mới được tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ở cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.

ba-Nguyen-Thuy-Anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí điều kiện cụ thể, các trường hợp đặc thù được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu. Từ đó loại bỏ nguy cơ lạm dụng chính sách, tạo cơ chế xin – cho và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở”- bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Theo bà Thúy Anh, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT là việc đánh giá tính hợp lý của cung cấp dịch vụ y tế khi giám định BHYT.

“Việc ‟treo” quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT là do khó đạt được thống nhất giữa cơ quan thực hiện giám định và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tính hợp lý của việc cung ứng dịch vụ”- lời Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội.

Người khám dịch vụ và khám BHYT phải công bằng

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng những vấn đề bức xúc hiện nay liên quan đến thanh toán, quyết toán khi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm thuốc cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT….

Nhấn mạnh vấn đề y đức trong ngành y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không được phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh BHYT.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần giải quyết căn cơ tận gốc, thay vì chỉ giải quyết khi có dư luận chỗ này hay chỗ khác.

Chu-tich-Quoc-hoi-Tran-Thanh-Man25-9.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cạnh đó, theo ông Trần Thanh Mẫn Mẫn, với định hướng bao phủ BHYT toàn dân, việc mở rộng đối tượng là đúng nhưng cần rà soát kỹ đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, đặc biệt lưu ý người có công, người dân tộc thiểu số…

“Qua trận bão lũ, sạt lở ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc vừa qua, đời sống người dân rất khó khăn, nhiều người không có nhà cửa, phải ở lều, lán trại…”- ông Trần Thanh Mẫn nói và cho rằng khám chữa bệnh cho người dân là việc thường xuyên nhưng cần đặc biệt quan tâm ở những vùng khó khăn.

Đồng tình việc đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT là chính sách nhân văn, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý chính sách phải khả thi, công bằng, đảm bảo khả năng cân đối của Quỹ BHYT và điều kiện xã hội.

Chuyển đổi số giúp người dân thuận lợi hơn

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế người dân đi khám bệnh phát hiện thẻ BHYT hết hạn và phải làm lại thẻ mới song còn mất thời gian, đi lại nhiều lần.

"Thủ tục làm thẻ mới làm sao phải rất nhanh, làm ngay tại bệnh viện, làm trên điện tử, còn phải về quê khai báo sẽ rất mất thời gian”- ông Định cho rằng việc này cần cố gắng khắc phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi số và đưa tất cả lên mạng để theo dõi, tránh lợi dụng, lạm dụng.

"Chăm sóc cho người dân, người bệnh nhưng không để những người có tư tưởng tiêu cực để lợi dụng. Tránh tình trạng người đi khám nhiều lấy thuốc về không uống mà đi bán..."- ông Nguyễn Khắc Định nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm