Người bệnh tự bỏ tiền mua thuốc bảo hiểm y tế, BHXH có giải pháp gì?

(PLO)- Qua khảo sát cho thấy có những trường hợp người bệnh phải tự chi trả 100% trong khi có mua bảo hiểm y tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-6, tại HĐND TP.HCM diễn ra phiên giải trình công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.

Đấu thầu, mua sắm thuốc còn nhiều khó khăn

Tại phiên giải trình, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết vừa qua Ban Văn hóa - Xã hội đã khảo sát công tác quản lý và sử dụng thuốc tại 7 cơ sở kinh doanh, phòng khám và 13 đơn vị y tế.

Qua khảo sát ghi nhận công tác đấu thầu, mua sắm thuốc tại một số đơn vị y tế còn khó khăn. Cụ thể, các đơn vị không được hỗ trợ chi phí cho hội đồng đấu thầu. Ngoài ra, kiến thức đấu thầu mua sắm thuốc của một số cán bộ còn hạn chế cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến công tác đấu thầu.

Một số trung tâm y tế gặp khó trong thực hiện các gói thầu riêng lẻ để cung ứng thuốc vì nhu cầu thuốc ít. Các đơn vị chưa tổ chức đấu thầu đối với dược liệu nên việc thanh toán bảo hiểm y tế chỉ dừng lại ở thuốc đông y thành phẩm.

“Hiện nay danh mục thuốc tại các trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân hay một số hoạt chất mới không được cập nhật kịp thời vào danh mục bảo hiểm y tế. Từ đó gây khó khăn cho người bệnh, có những trường hợp người bệnh phải tự chi trả 100% trong khi có mua bảo hiểm y tế” - ông Bình nói.

bảo hiểm y tế - 1
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo ông Bình, hiện nay vẫn còn tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc dùng trong phòng chống dịch và vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số thuốc hiếm sử dụng trong cấp cứu, giải độc không được cung cấp kịp thời. Nguyên nhân bệnh viện không dám mua vì giá thành cao và ít sử dụng đến.

“Các bệnh viện của TP có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến điều trị cuối của khu vực phía Nam nên số lượng người bệnh tiếp nhận từ các địa phương khác chuyển về nhiều, gây áp lực lớn cho công tác điều trị và cung ứng thuốc. Ảnh hưởng của chiến tranh trên thế giới, việc chậm trễ gia hạn số đăng ký của Cục Quản lý Dược hay sự thay đổi cơ chế mua sắm, đầu thầu thuốc là các nguyên nhân dẫn đến việc gián đoạn này” - ông Bình lý giải.

Ngoài ra vẫn còn trường hợp cơ sở kinh doanh dược bán thuốc, dược liệu không có hoá đơn, chứng từ, không có hạn sử dụng (đối với dược liệu). Việc giám sát và truy xuất nguồn gốc dược liệu hiện nay còn chưa đảm bảo. Còn tình trạng cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền không đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Còn tình trạng thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm về nhãn mác, tem phụ, sổ sách ghi chép.

“Qua khảo sát nhận thấy một số cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP chưa niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định, có sự chênh lệch giá công khai trên website và giá bán thực tế gây ảnh hưởng đến quyền lợi người mua” - ông Bình cho hay.

Hiện nay việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội còn tràn lan, sai sự thật. Đáng chú ý, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn lưu hành trên thị trường, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Trong khi đó việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm chức năng có chứa dược liệu còn nhiều khó khăn.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM.

bao-hiem-y-te5.jpg
Đoàn khảo sát đi khảo sát công tác quản lý, sử dụng thuốc tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cần bổ sung danh mục thuốc BHYT

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kiến nghị cần bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại trạm y tế để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân tại tuyến y tế cơ sở. Ngoài ra, ông Thượng đề xuất bổ sung hoạt chất mới được thanh toán bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

“TP chúng ta cần tập trung giải pháp, nguồn lực để nghiên cứu xây dựng Trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc đáp ứng nguy cơ dịch bệnh của TP. Cần kịp thời hỗ trợ đăng ký sáng chế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu cho các doanh nghiệp, nhất là ngành dược đông y” - ông Thượng đề xuất.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, TP cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dược. Kịp thời hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thuốc việc tổ chức thực hiện tiêu chuẩn thực hành tốt kê đơn thuốc, thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Hướng dẫn chủ cơ sở, nhân viên thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng.

Ngoài ra cần thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu khi có dấu hiệu nghi vấn để phát hiện vi phạm và ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài.

bao-hiem-y-te6.jpg
Người bệnh nhận thuốc bảo hiểm y tế tại quầy thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho hay hiện nay chưa có quy định thanh toán trả lại cho người bệnh bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đang dự thảo thông tư để đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Theo bà Hằng, nếu đề xuất để bảo hiểm thanh toán lại cho người bệnh sẽ trái với luật khám chữa bệnh, do cung ứng thuốc cho bệnh nhân thuộc cơ sở khám chữa bệnh. BHXH TP.HCM đã đề xuất giải pháp mở rộng đấu thầu tập trung cấp địa phương để bệnh viện nào thiếu thuốc sẽ được bệnh viện khác điều tiết qua lại.

“Nếu để theo cơ số đấu thầu thuốc riêng lẻ như hiện nay, bệnh viện nào hết thuốc nhưng mua sắm không kịp sẽ dẫn đến thiếu thuốc, gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, ảnh hưởng người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện phải dự trù được cơ số thuốc, lượng thuốc trong 3-6 tháng trong khi chờ tổ chức đấu thầu thuốc” - bà Hằng nhận định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát về thuốc

Để kịp thời khắc phục và tiếp tục nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng thuốc trên địa bàn TP trong thời gian tới, yêu cầu UBND TP tập trung nâng cao tỉ lệ lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường.

Cạnh đó phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong kiểm tra, xử phạt, nhất là việc quảng cáo, kinh doanh trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Kịp thời thu hồi các sản phẩm vi phạm không đạt chất lượng nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ người dân.

Ngoài ra cần phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện và kịp thời trình báo các cơ quan chức năng khi phát hiện việc đầu cơ, sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm