Ngày 1-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Nghị quyết số 47/NQ-CP thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Ảnh PHƯƠNG NAM. |
Theo đó, ngày 7-3-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2023.
Đối với 6 mỏ đất đắp đã được cấp cho các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã hết hạn giấy phép, không đủ điều kiện gia hạn, Chính phủ đã đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường).
Yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép.
Nhiều đoạn cầu vượt thi công xong nhưng không có đất đắp làm đường dẫn. Ảnh PHƯƠNG NAM. |
Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận, việc cấp lại các giấy phép nêu trên vẫn có những khó khăn, vướng mắc, không thể kịp tiến độ như yêu cầu.
Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp đất đắp cho các gói thầu tại Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Chính phủ thống nhất quyết nghị: Đối với các mỏ được cấp cho Dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam (đã khởi công và sắp khởi công) đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng, UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết nêu trên để quyết định cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay các mỏ vật liệu cung cấp cho Dự án theo trữ lượng ghi trong Giấy phép đã cấp.
Công suất khai thác và địa chỉ sử dụng khoáng sản thực hiện theo nội dung Các Nghị quyết của Chính phủ.
Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đoạn đi qua Tuy Phong. Ảnh PHƯƠNG NAM |
“Sau khi kết thúc khai thác, yêu cầu các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung Luật Khoáng sản để đáp ứng các vấn đề thực tiễn đang phát sinh trong thời gian tới”, Quyết nghị kết luận.
Như PLO đã đưa tin, toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang thiếu khoảng 900.000 m3 đất đắp để thi công các hạng mục đường gom dân sinh, cầu ngang, đường nhánh, đường dẫn… Trong khi đó, sáu mỏ đất đắp được cấp phép theo cơ chế đặc thù (không thông qua đấu giá cấp quyền khai thác) để phục vụ riêng cho dự án đã dừng hoạt động từ đầu năm 2023 do chưa gia hạn lại được.
Nhiều nhà thầu khẳng định với tình hình hiện tại khó có thể về đích trước ngày 30-4-2023, đưa vào vận hành nếu không có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ. Với việc Chính phủ ra Nghị quyết 47/NQ-CP ngay trong ngày thứ 7 cuối tuần, câu chuyện thiếu đất đắp của tuyến cao tốc này đã chính thức được tháo gỡ và tiến độ còn lại thuộc về các nhà thầu, đơn vị thi công.