Ngày 6-11, Bộ LĐ-TB&XH thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo đó, sau khi nhận được đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại hội trường ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 23-10, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung một ngày nghỉ lễ là 28-6 (Ngày gia đình Việt Nam).
Chính phủ thống nhất phương án chọn Ngày gia đình Việt Nam làm ngày nghỉ lễ trong năm, nâng tổng số ngày nghỉ lên 11 ngày. Ảnh minh họa
Về việc tăng tuổi nghỉ hưu (nam tăng từ 60 lên 62 tuổi, nữ từ 55 lên 60 tuổi), Chính phủ thống nhất với báo cáo giải trình, phương án đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, sẽ tiến hành rà soát 1.810 nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm làm căn cứ để xác định nhóm người lao động được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Đối với thời giờ làm việc bình thường, theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định hiện hành là 48 giờ/tuần. Về góc độ kinh tế, nếu giảm giờ làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm 208 giờ/năm.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nếu giảm giờ làm, tổng chi phí lao động tăng lên khoảng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 20 tỉ USD/năm. Điều quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm đi khoảng gần 0,5%, ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ trong việc nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình…
Vì vậy, trước mắt Chính phủ giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định hiện hành. “Đồng thời đề nghị bổ sung quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần. Tăng cường cơ chế thương lượng tập thể về việc giảm giờ làm việc bình thường tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giao Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội có lộ trình điều chỉnh giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp…” - Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất tăng giờ làm việc tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng không quá 40 giờ. Đồng thời quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm.
“Cụ thể, nghề dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn theo quy định của Chính phủ…” - Bộ LĐ-TB&XH báo cáo.